Một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra tác dụng bất ngờ khi bạn sử dụng đều đặn mỗi ngày 1 ly nước cam.
Nguồn protein chuẩn cho sức khỏe vàng
- Cập nhật : 25/09/2020
Sữa đậu nành đang là thứ đồ uống được người Việt ưa chuộng vì các giá trị mang lại cho sức khỏe.
Món sữa của người Việt
Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam là quốc gia có lượng tiêu thụ sữa đậu nành nhiều thứ 3 trên thế giới chỉ sau Trung Quốc, Thái Lan. Món uống truyền thống ngon và bổ dưỡng này có thể tìm thấy ở bất cứ đâu từ chợ nhỏ đến siêu thị, từ gánh hàng rong đến quán nước bình dân hay nhà hàng sang trọng, được ưa chuộng nhờ hương vị thơm ngon, dễ hấp thu và có nhiều dưỡng chất.
Hạt đậu nành tươi đem rửa sạch, ngâm mềm với nước, xay mịn, lọc lấy nước cốt và đun sôi, sau đó cho thêm đường theo khẩu vị và thưởng thức. Vị thơm, béo, sánh mịn đặc trưng của sữa hoàn toàn kích thích vị giác, thuần khiết và thanh tao. Đối với trẻ em hoặc cả người lớn không dung nạp được lastose trong sữa bò, sữa đậu nành là thức uống thay thế lý tưởng.
Thói quen uống sữa đậu nành cũng đang dần thay đổi, người ta chọn tự nấu sữa đậu nành tại nhà thay vì mua sữa đậu nành nấu thủ công trôi nổi ngoài chợ trời tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn vệ sinh thực phẩm. Sữa đậu nành đóng hộp ngày càng được nhiều người Việt tin dùng vì bảo đảm nguồn gốc, lại vẫn giữ được nguyên vẹn hương vị và dưỡng chất của hạt đậu.
Lợi ích sức khỏe của sữa đậu nành
Trong mỗi hạt đậu nành có chứa 8% nước, 5% chất vô cơ, 15-25% chất béo, 35-45% chất đạm cùng nhiều vitamin A, B1, B2, D, PP, K, F, isoflavone và các chất khoáng khác có lợi cho cơ thể, protein từ đậu nành chứa đầy đủ tám loại amino acids thiết yếu cho con người. Chính nhờ bảng thành phần ấn tượng mà sữa đậu nành không chỉ là một thức uống ngon mà còn giúp phòng ngừa và cải thiện một số căn bệnh. Đầu tiên là bệnh tim mạch, Theo khuyến nghị của FDA, mỗi người nên bổ sung ít nhất 25g đạm đậu nành mỗi ngày để cải thiện và hạn chế nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch Hiệp hội Tim mạch Mỹ đã có các thử nghiệm khẳng định rằng protein đậu nành giúp giảm cholesterol xấu và không ảnh hưởng đến cholesterol tốt, lipoprotein hoặc huyết áp, điều này rất tốt cho sức khỏe của tim. Chất Isoflavones có trong đậu nành làm ức chế sự tăng trưởng của tế bào gây ra các mảng bám trên thành động mạch, giúp phòng ngừa nguy cơ xơ vữa động mạch. Axit béo Omega 3, Omega 6 và những chất chống oxy hoá trong sữa giúp bảo vệ các mạch máu khỏi bị vỡ và tổn thương. Đồng thời, Isoflavones giúp hấp thụ Canxi vào cơ thể và làm xương chắc khỏe hơn, cải thiện bệnh loãng xương vốn sẽ trầm trọng hơn theo tuổi tác. Ngoài ra, người ta còn dùng sữa đậu nành như một thực phẩm giảm cân, giữ dáng tốt nhờ lượng đường thấp, Isoflavones cũng giúp cải thiện hiệu quả các triệu chứng hậu mãn kinh đặc biệt khó chịu ở nữ giới.
Những ngộ nhận về sữa đậu nành
Chứa những công dụng vàng cho sức khỏe là vậy nhưng nam giới thường e dè khi lựa chọn loại thực phẩm bổ dưỡng này vì lo lắng bị ảnh hưởng đến sức khoẻ sinh sản. Tuy nhiên, Tiến sĩ Mark Messina (thuộc Đại học Loma Linda, đồng thời là Giám đốc Viện Dinh dưỡng Đậu nành Mỹ) đã từng công bố một số kết quả phân tích tổng hợp các nghiên cứu khẳng định đậu nành isoflavones không làm thay đổi nồng độ testosterone khả dụng ở nam giới và không có bằng chứng nào cho thấy tiêu thụ isoflavones tác động đến nồng độ estrogen tuần hoàn ở nam giới. Các mẹ bầu cũng thường rất cân nhắc khi uống sữa đậu nành vì lo sợ làm lệch lạc giới tính thai nhi. Theo công bố của Tiến sĩ Daniel Doerge vào năm 2001, không có dấu hiệu nào cho thấy estrogen trong đậu nành có thể đi qua nhau thai gây ảnh hưởng tới thai nhi.
Một vài đồn đoán khác nói đậu nành làm phát triển khối u. Nguyên nhân chính khiến nhiều người nghĩ như vậy là do sự nhầm lẫn giữa hai cái tên: phytoestrogen và estrogen. Estrogen là hormone có sẵn trong cơ thể và có tác dụng điều hòa chức năng tình dục và các điểm sinh dục thứ phát. Tuy nhiên, ở mức độ cao, nó sẽ trở thành nhân tố làm tăng nguy cơ ung thư còn phytoestrogen thì không, isoflavone có trong đậu nành là một nhóm chất phytoestrogen. Có thể nói phytoestrogen có các chức năng có lợi cho sức khỏe tương tự như estrogen. Đồng thời, phytoestrogen còn có tác dụng ngăn chặn tác động xấu của estrogen. Điều này đã giải mã hiểu lầm rằng isoflavones trong đậu nành gây phát triển khối u.
Trường Thịnh