Người ở Văn Thôn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (ngày nay là làng Quang, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Ông đậu Thái học sinh và giữ chức Tư nghiệp trường Quốc tử giám dưới triều Trần Minh Tông (1324)....
Lương y Phó Đức Thành một trí thức yêu nước
- Cập nhật : 08/06/2015
Nền Đông y Việt Nam đã có hàng nghìn năm lịch sử, là di sản văn hóa Việt Nam với những phương pháp chữa bệnh độc đáo bằng những cây thuốc quý có trên đất nước Việt Nam.
Nhiều thế hệ thầy thuốc Đông y Việt Nam đã góp phần vun đắp, xây dựng nền Đông y Việt Nam với lòng yêu nước và sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Từ thế kỷ thứ 13 đến thế kỷ thứ 19 đã có 59 danh y để lại cho đất nước 61 tác phẩm về y, dược và dưỡng sinh, phòng bệnh cho các thế hệ mai sau. Thế kỷ thứ 20, đất nước Việt Nam mang nhiều dấu ấn lịch sử với cuộc cách mạng tháng Tám thành công giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách xâm lược của thực dân Pháp. Trong cuộc đấu tranh gian khổ lâu dài ấy, nhiều thầy thuốc Đông y không chỉ hành nghề chăm sóc sức khỏe nhân dân mà còn đấu tranh với chính quyền thực dân Pháp để tiếp tục xây dựng và bảo tồn nền Đông y Việt Nam. Trong những người của thế hệ ấy có lương y Phó Đức Thành là một điển hình, cuốn sách Phó Đức Thành thân thế và sự nghiệp của Đa Văn đã nói nhiều về cụ, trong bài này, tôi muốn nói công lao của danh y Phó Đức Thành về đấu tranh thành lập "Trung kỳ y học hội" và đấu tranh bảo tồn nền Đông y Việt Nam. Ngày 17/7/1943, chính quyền Đờ cu (Decoux) toàn quyền Pháp tại Đông Dương ra lệnh cấm Đông y hoạt động, cụ Phó Đức Thành đã viết báo phản đối hành động này của chính quyền Đờ cu: "Cấm đoán, hạn chế như vậy là vô lý". Sau khi cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, cụ là người hăng hái vận động nhân dân sử dụng thuốc nam, trồng thuốc nam để tự chữa bệnh, mở các lớp học để phổ biến, sử dụng thuốc nam. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, khi về Hà Nội được gặp Hồ Chủ tịch, Bác Hồ đã khen ngợi cụ Phó Đức Thành "Cụ hăng hái hoạt động cho thuốc ta là một việc tốt, cần bảo tồn và phát huy vốn quý của dân tộc".
Thủ tướng Phạm Văn Đồng nghe Lương y Phó Đức Thành trình bày thành tích di thực vị sinh địa. |
Năm 1956, cụ Phó Đức Thành được Bộ Y tế mời về Bộ để xây dựng tổ chức Đông y của ngành y tế.
Cụ là người chủ trương và vận động để tái thành lập Hội Đông y Việt Nam năm 1957. Ngày 23/3/1957 ban trù bị gồm: cụ Phó Đức Thành trưởng ban, cụ Lê Huy Phách phó trưởng ban, cụ Vũ Khắc Gia thư ký, cụ Quan Triệu Ngang, Lê Đại Thành, Phan Trọng Quỳnh, Phạm Văn Hoán, Nguyễn Trung Khiêm, BS. Nguyễn Văn Hưởng. Sau đó, Bộ Nội vụ ban hành nghị định số 399VN/DC/NV ngày 3/6/1957 (tiền thân của Hội Đông y Việt Nam được thành lập theo Nghị định số 337NV/NĐ ngày 22/8/1946 gọi là Hội Nghiên cứu nam dược, đến năm 1948 tản cư về huyện Phú Xuyên, Hà Đông (nay là Hà Nội). Hội đổi tên thành Hội Đông y cứu quốc năm 1957 được tái lập từ Vĩnh Linh trở ra gồm 32 tỉnh thành phía Bắc với bốn cấp hội từ Trung ương đến cơ sở. Sau giải phóng miền Nam, Ban Bí thư Trung ương Đảng có Chỉ thị 118CT/TW ngày 30/9/1981 cho thành lập hội Đông y các tỉnh phía Nam vừa giải phóng với ba cấp hội tỉnh, huyện, xã), cho tái lập Hội Đông y Việt Nam, bầu cụ Nguyễn Trung Khiêm làm Chủ tịch Trung ương hội, cụ Phó Đức Thành, BS. Nguyễn Văn Hưởng làm Phó Chủ tịch Trung ương hội. Sau đó cụ được cử đi vận động tổ chức thành lập các tỉnh hội từ Lạng Sơn đến Quảng Bình.
Đoàn chủ tọa trong kỳ họp đầy tiên thành lập Hội Đông y Trung ương. (Từ trái sang phải: BS. Nguyễn Văn Hưởng, Phó Đức Thành, Nguyễn Trung Khiêm, Bành Hải Siêu, Hoàng Văn Thâm). |
Cụ Phó Đức Thành là người say mê với thuốc nam, cụ đã sưu tầm nhiều cây thuốc quý, trồng nhiều thuốc nam để hướng dẫn nhân dân dùng. Những cây thuốc, vị thuốc cụ sưu tầm được đã đăng trên Tạp chí "Dược học thông báo" (Năm 1959). Cụ còn mở nhiều lớp học bồi dưỡng kiến thức thuốc nam cho cán bộ hội viên Hội Đông y và những người hành nghề Đông y lúc bấy giờ. Cụ còn là thầy giáo dạy cho lớp cán bộ đầu tiên vượt Trường Sơn đi đánh Mỹ giải phóng miền Nam (đi B) về kiến thức tìm và sử dụng thuốc nam trong rừng những năm 1958 - 1959 trước khi đoàn lên đường ra mặt trận. Cụ viết sách và nhiều tài liệu về các cây thuốc của Việt Nam.
Tôi viết bài này sau 41 năm cụ Phó Đức Thành đi xa (1880 - 1988), với tình cảm của một người thầy thuốc thế hệ sau, biết ơn thế hệ trước đã dày công xây đắp cho nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong một chặng đường dài. Cụ đã dành cả tuổi trẻ cho đến cuối đời vẫn một lòng với sự nghiệp Đông y, vẫn làm thuốc phục vụ sức khỏe nhân dân, kể cả khi đấu tranh với thực dân Pháp để bảo vệ nền Đông y của nước nhà. Cụ là một tấm gương tận tâm với nghề nghiệp không màng danh lợi, tất cả vì nền Đông y Việt Nam.
Lương y Phó Đức Thành trong một chuyến thực địa. |
Về Hội Đông y Việt Nam, cụ là người sáng lập ra "Trung kỳ y học hội" (năm 1936) suốt một chặng đường dài từ 1928 đến 1936 trong khó khăn gian khổ đấu tranh với chính quyền thực dân Pháp để lập ra một tổ chức nghề nghiệp yêu nước tiền thân của Hội Đông y Việt Nam ngày nay và sau cách mạng tháng 8/1945 thành công, cụ đã đi suốt chặng đường cách mạng cho đến khi Hội Đông y Việt Nam được tái lập 1957. Khi tuổi già sức yếu vẫn hăng say nhiệt tình với Hội Đông y, với nền Đông y Việt Nam. Cụ đã hy sinh trên một chuyến đi công tác dự Đại hội Hội Đông y tỉnh Cao Bằng.
Lương y, thầy thuốc Phó Đức Thành - một trí thức yêu nước xứng đáng là bậc tiền bối có tấm gương cao cả, sự hy sinh trong sáng của một người sáng lập ra Hội Đông y Việt Nam.
Mong rằng vong linh của cụ được về Y miếu Thăng Long để hàng năm các thế hệ thầy thuốc Đông y Việt Nam đến thắp hương tưởng nhớ cụ.
(Theo Suckhoedoisong)
Trở về