Nhiều người thường mang tâm lí “sợ sệt” khi đang có ý định rời khỏi môi trường làm việc đã gắn bó vì nhiều lí do khác nhau, mặc dù vậy mọi sự đánh đổi đều có thể đem lại cho bạn nhiều cơ hội để phát triển bản thân.
6 điều cần làm khi bị nhà tuyển dụng từ chối
- Cập nhật : 01/03/2018
Bạn đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng trước buổi phỏng vấn nhưng kết quả lại bị nhà tuyển dụng từ chối. Và đâu mới là hành vi ứng xử cần thiết mà các ứng viên nên làm?
Về vấn đề này, Trưởng phòng Nhân sự công ty CareerLink chia sẻ rằng khi gặp trường hợp trên thay vì “ủ rũ” bạn nên thực hiện những điều dưới đây để nhanh chóng vực dậy tinh thần và mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp mới.
Tìm hiểu thông tin tuyển dụng nhanh nhất tại:https://www.careerlink.vn/tim-viec-lam-nhanh
- Trấn an tinh thần
Đã cố gắng rất nhiều nhưng kết quả lại bị từ chối có thể sẽ khiến bạn buồn, thất vọng, thậm chí giận dữ. Tuy nhiên, bạn cần tránh để tình trạng này kéo dài, gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ: vì tức giận mà viết mail trách móc đơn vị tuyển dụng, khiến họ có những đánh giá “tệ” về nhân phẩm, làm mất những cơ hội việc làm và hợp tác sau đó, bởi biết đâu trong tương lai họ lại trở thành đối tác của bạn…
Vì thế, ngay sau khi biết kết quả phỏng vấn không như ý bạn hãy cho mình một chút thời gian bình tâm suy nghĩ, có thể chia sẻ để nhanh chóng ổn định về tinh thần và có những ứng xử phù hợp nhờ lời khuyên từ những người có kinh nghiệm.
- Viết thư cảm ơn
Khi tinh thần đã ổn định, việc tiếp theo bạn cần làm là viết thư cảm ơn, đây là việc làm đơn giản nhưng có ý nghĩa quan trọng. Nó không chỉ giúp bạn khẳng định mình là một ứng viên chuyên nghiệp mà còn giúp nhà tuyển dụng “ghi nhớ” bạn. Nếu có những trường hợp tuyển dụng bổ sung hoặc ứng viên được tuyển không phù hợp họ sẽ “ưu tiên” cơ hội cho bạn. Nội dung lá thư cảm ơn không cần phải hoa mỹ nhưng cần thể hiện được sự chân thành, bởi các nhà tuyển dụng đều đánh giá cao các ứng viên có phẩm chất đạo đức tốt.
- Khéo léo xin phản hồi từ nhà tuyển dụng
Bạn có thể khéo léo xin phản hồi từ nhà tuyển dụng về những ưu điểm cũng như hạn chế khiến bạn không được chọn thông qua mail cảm ơn sau buổi phỏng vấn. Ví dụ: “Dù đã có kết quả tuyển dụng chính thức nhưng em vẫn mong nhận được sự góp ý của ban tuyển dụng về kỹ năng phỏng vấn, điểm mạnh cũng như điểm yếu bản thân để có thể hoàn thiện mình hơn”. Tin rằng với thái độ tích cực, chân thành bạn sẽ nhận được những lời góp ý tận tình, hữu ích để rèn luyện bản thân “đúng hướng”, đồng thời ghi “dấu ấn” về một ứng viên lạc quan, ham học hỏi.
- Tự đánh giá lại năng lực bản thân
Song song với việc xin ý kiến đánh giá từ nhà tuyển dụng bạn cũng nên dành chút thời gian để tự đánh giá lại năng lực của bản thân. Cụ thể là bạn cần biết được mình đang ở đâu trong thị trường nghề nghiệp hiện nay. Ví dụ: bạn có những thế mạnh kỹ năng nghề nghiệp gì mà nhà tuyển dụng đánh giá cao, bạn đã có những thành tích gì tốt trong kinh nghiệm trước đó, những kỹ năng nghề nghiệp nào cần thiết cho công việc mà bạn còn yếu kém… Những đánh giá tổng quan này sẽ giúp bạn đưa ra được “chiến lược” tìm việc và rèn luyện đúng đắn để phát triển năng lực, vươn tới thành công trong tương lai.
- Tham gia các khóa học nếu cần
Sau khi đã tự đánh giá lại bản thân, biết được những nhược điểm của mình bạn cần chủ động khắc phục. Nếu bạn cảm thấy mình yếu hoặc thiếu các kỹ năng nghề nghiệp thì nên tham gia ngay các khóa học bồi dưỡng. Ví dụ: Nếu là nhân viên marketing bạn nhận ra rằng xu hướng tuyển dụng hiện nay là ngoài kỹ năng viết còn cần các kỹ năng làm hình ảnh, media thì bạn cũng đừng ngại tham gia thêm các khóa học bổ trợ để có thể trở thành ứng viên sáng giá.
- Nắm lấy mọi cơ hội việc làm
Tuy không được tuyển dụng chính thức nhưng trong một số trường hợp công ty sẽ đề nghị bạn làm việc dưới hình thức cộng tác, nếu gặp trường hợp này bạn đừng vội từ chối mà hãy cân nhắc. Bởi biết đâu đây sẽ là cơ hội giúp bạn được tuyển dụng trong đợt tiếp theo khi họ thấy được năng lực của bạn. Song song đó, bạn cũng cần nhanh chóng lên kế hoạch tìm kiếm các công việc, cơ hội nghề nghiệp khác để ổn định cuộc sống, rèn luyện năng lực và mở rông cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.
Bị nhà tuyển dụng từ chối có thể là một “thất bại” với bạn, tuy nhiên không nên vì thế mà chán nản, hãy lấy đó làm động lực để hoàn thiện bản thân nhằm đạt được những mục tiêu nghề nghiệp như ý.
Nguyễn Thắm