Bất kỳ cha mẹ nào cũng có thể kỳ vọng vào con cái. Tuy nhiên, khi kỳ vọng thái quá, cha mẹ đã vô tình tạo áp lực tới trẻ.
Dân... tự bồi thường?!
- Cập nhật : 03/10/2016
(Thoi su)
Cơn mưa lớn nhất trong vòng 40 năm qua đã khiến hàng nghìn xe máy, ôtô bị nước “nhấn chìm” dưới tầng hầm. Mặc dù TP. Hồ Chí Minh sẽ khảo sát thiệt hại nhưng vì đó là sự cố bất khả kháng nên người dân chắc sẽ tự phải chịu những rủi ro này.
Người dân TP. Hồ Chí Minh trong những ngày này vẫn còn cảm nhận rõ dư âm của trận mưa lịch sử chiều 26 và chiều 27/9 đã làm cho hệ thống thoát nước trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh gần như tê liệt hoàn toàn, biến thành phố thành một điểm ngập khổng lồ. Một số công trình được xem là hiện đại nhất Đông Nam Á như hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn, một số tuyến đường mới đầu tư cải tạo nâng cấp hệ thống thoát nước cũng bất ngờ “thất thủ”. Dự báo, với tình hình chống ngập như vừa qua, thì TP. Hồ Chí Minh vẫn còn vật lộn dài dài trước những cơn mưa lớn. Vấn đề đặt ra là vì sao thành phố đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng, nhưng đường phố vẫn biến thành sông?
Tại cuộc họp báo thường kỳ về tình hình kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh diễn ra ngày 29/9, thông tin từ Văn phòng UBND thành phố cho biết, thành phố sẽ khảo sát thiệt hại, tuy nhiên không có nghĩa là thành phố thực hiện bồi thường vì sự cố là bất khả kháng nhưng vẫn phải khảo sát để xem trận ngập vừa qua gây thiệt hại bao nhiêu, từ đó tìm cách khắc phục.
Thông tin từ cuộc họp báo cho biết, ngoài vấn đề thiên tai xảy ra ngoài ý muốn thì nguyên nhân ngập tầng hầm cũng có một phần do chủ quan trong công tác thiết kế xây dựng. Theo đó, trong quá trình đầu tư xây dựng, các chủ đầu tư cũng chưa nghĩ đến tình huống công trình bị ngập tới tầng hầm và thành phố không lường được hết được tình hình ngập lụt và người dân cũng vậy. Tuy nhiên, qua trận ngập lịch sử này các chuyên gia trong lĩnh vực cho rằng, từ đó mới lộ ra những “khiếm khuyết” trong công tác xây dựng hạ tầng và chống ngập.
Theo các chuyên gia kiến trúc quy hoạch, ở nước ngoài, việc dự báo khả năng cháy rừng, hạn hán, lũ lụt liên tục và rất chính xác. Còn tại TP. Hồ Chí Minh, một trong những đầu tàu kinh tế xã hội của cả nước xem ra tình hình dự báo còn rất kém. UBND TP. Hồ Chí Minh cho rằng, có đủ các nguyên nhân gây ngập, ngập nước không chỉ do mưa, triều cường, mà còn do sự quản lý của con người. Công tác quản lý địa bàn ở một số nơi còn yếu kém. Vì thế cái giá phải trả cho sự quản lý yếu kém là thành phố phải bỏ ngân sách nhà nước ra để xử lý khắc phục hậu quả.
Được biết, thời gian tới thành phố sẽ có cuộc họp để đánh giá lại quá trình chống ngập, từ đó đưa ra được các giải pháp trước mắt và lâu dài hiệu quả hơn. Với các vị trí lấn chiếm hệ thống thoát nước, thành phố sẽ phải di dời một số hộ dân đến nơi khác để giải tỏa cho dòng chảy. Đồng thời triển khai giải pháp thông báo cho người dân tình hình ngập như hình thức thông tin kẹt xe qua đài phát thanh, rồi qua cả tin nhắn tới điện thoại di động. Biện pháp này giúp giảm bớt sự phiền hà cho người dân, đặc biệt tránh để ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tài sản của nhân dân.