Nhà thần kinh học nổi tiếng Lawrence Katz đưa ra các bài tập với chữ, số và tay để bạn tự kiểm tra bộ não của mình.
Nóng bức – làm gì để giải nhiệt cho gan?
- Cập nhật : 04/05/2017
(Suc khoe)
Mùa hè, thời tiết nóng bức, cơ thể con người sinh nhiệt khiến nhiều người dễ bị nổi mụn, da khô, nứt nẻ, tình trạng sạm, nám trên da khiến con người cảm thấy mất đi sự tự tin. Nguyên nhân có nhiều, trong đó có căn nguyên do chức năng gan suy giảm hay đông y gọi là nóng gan.
Mới vào đầu hè, những đợt nắng nóng oi bức khiến cơ thể con người chưa kịp thích nghi, cộng thêm việc sinh hoạt, ăn uống không điều độ khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi, bứt rứt, khó chịu trong người. Khi trời nóng, họ thường bị khát, da khô, thậm chí nổi mụn nhọt, lở loét bên ngoài. Theo đông y, đó là dấu hiệu của chứng nóng gan do chức năng gan suy giảm hay dông y gọi là can huyết nhiệt.
TTUT. BS CKII Nguyễn Hồng Siêm, Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Đông y Việt Nam cho biết, môi trường sống tác động không nhỏ đến sức khỏe con người. Theo quan điểm của đông y, nếu nhiệt độ môi trường tăng cao làm cho quá trình chuyển hóa trong cơ thể tăng lên, điều này đồng nghĩa với việc gan phải làm việc nhiều hơn, sinh ra nhiệt, từ đó gây ra can huyết nhiệt. Nếu gan phải làm việc quá tải, chức năng gan sẽ suy giảm gây bệnh tật.
Gan được ví như một nhà máy quan trọng của cơ thể con người giúp chuyển hóa, tổng hợp và loại bỏ các chất độc ra khỏi cơ thể. Tất cả thức ăn, nước uống khi vào cơ thể đều được tổng hợp và thanh lọc qua gan, các chất dinh dưỡng được hấp thụ để nuôi cơ thể, còn các chất độc hại gan lọc được sẽ được bài tiết ra ngoài. Theo đông y, nếu để tình trạng nóng trong người kéo dài tức là độc tố và nhiệt độc của cơ thể không thể thoát ra, tích tụ trong cơ thể, lâu dần cũng sinh bệnh. Theo đông y, đó là do can huyết nhiệt, tức là máu ở gan nóng sẽ sinh bệnh.
Trong đông y chia ra 2 loại, thực chứng và hư chứng. Thực chứng là những bệnh mới mắc làm gan nóng – gọi là can huyết thực nhiệt (cấp tính), còn các bệnh mạn tính làm gan sinh nhiệt gọi là can huyết nhiệt – đây là thể hư chứng. Tùy thuộc vào thể bệnh mà đông y sẽ có cách điều trị thích hợp, BS CKII Nguyễn Hồng Siêm giải thích.
Làm gì để giải nhiệt cho gan?
Theo BS CKII Nguyễn Hồng Siêm, để không bị chứng nóng gan, mỗi người cần tự biết cách bảo vệ sức khỏe cho mình. Điều quan trọng nhất để phòng tránh mắc các bệnh về gan trong mùa nóng là có một chế độ sinh hoạt, vận động, ăn uống điều độ, hợp lý. Cần ngủ đủ giấc vì gan cũng như các cơ quan khác trong cơ thể cần thời gian để nghỉ ngơi, tái tạo lại. Một chế độ ăn nhiều rau xanh, quả chín, uống đủ nước, tránh xa các chất cay nóng rất tốt để bảo vệ sức khỏe. Bởi vì vào mùa hè, khi môi trường bên ngoài oi bức, cộng thêm việc chúng ta ăn nhiều các chất cay nóng, cơ thể dễ sinh nhiệt, gây nóng trong người, điều này sẽ gây ra can huyết nhiệt.
Để bảo vệ sức khỏe cho gan, tuyệt đối không lạm dụng rượu bia, bởi gan là cơ quan bị ảnh hưởng nặng nếu người bệnh thường xuyên uống rượu hay nghiện rượu. Biến chứng nặng nhất mà người bệnh có thể gặp phải là xơ gan hay ung thư gan do rượu.
Nếu mắc các bệnh về gan mạn tính, người bệnh cần phải được theo dõi định kỳ. Bởi như trên đã đề cập, có những chứng bệnh ảnh hưởng tới gan do các bệnh mạn tính gây ra, BS Siêm lưu ý.
Ngoài các lưu ý trên, BS Siêm còn khuyên, để tránh nóng trong người, người dân có thể sử dụng các loại rau, thuốc nam có tác dụng thanh nhiệt, giải độc như rau má, diếp cá, mướp đắng, một số thực phẩm thông dụng dễ kiếm có tác dụng tốt như dưa hấu, nước chanh …. hay các loại thực phẩm - thuốc được sử dụng rất phổ biến trong dân gian như sắn dây (có tên đông y là cát căn), cỏ nhọ nồi, ké đầu ngựa, bồ công anh, cây vòi tre…