Nhà thần kinh học nổi tiếng Lawrence Katz đưa ra các bài tập với chữ, số và tay để bạn tự kiểm tra bộ não của mình.
Thuật dưỡng sinh 4 mùa của Hải Thượng Lãn Ông
- Cập nhật : 06/06/2017
Ở nước ta từ thế kỷ thứ XVIII, Hải Thượng Lãn Ông đã xây dựng phép dưỡng sinh có nội dung phong phú và các yêu cầu tổng hợp về nếp sống vệ sinh văn hóa lành mạnh. Trong đó yếu tố nuôi dưỡng tinh thần và thể xác là hàng đầu. Lãn Ông xác định: tinh thần và thể chất được luôn luôn khang kiện thì sẽ tận hưởng hết tuổi thọ ngoài 100 tuổi mới có thể chết.
Khí công dưỡng sinh giúp kéo dài tuổi thọ.
Các nhà lão khoa học, sinh học, y học hiện đại đã tìm hiểu và nghiên cứu nguyên nhân của lão hóa và các phương pháp chống lão hóa kéo dài tuổi thọ để sống trên 100 tuổi. Những điều này cũng trùng hợp phép dưỡng sinh của Lãn Ông đã nêu như sau:
- Lãn Ông đặt vấn đề nuôi dưỡng tinh thần lên hàng đầu trong việc giữ gìn sức khỏe. Lãn Ông đã viết: Các bậc hiểu sâu đạo lý tu dưỡng đời thượng cổ dạy : gặp hư tặc tà phong của ngoại giới phải xa lánh kịp thời, đồng thời tư tưởng cũng phải ổn định, yên tĩnh không có đầy tham vọng bậy bạ thì chân khí trong người được hòa thuận, tinh thần có thu mà không hao tán, bệnh tật không có ngõ nào để xâm nhập được. Nhờ vậy mà ý chí của họ rất an nhàn, ít có dục vọng, trong lòng của họ luôn luôn yên tĩnh chẳng có sợ sệt, tuy lao động mà không mệt mỏi. Tâm không tham nên cái gì cũng thuận, lòng tự thấy đủ, dễ được mãn nguyện, không đòi hỏi nhiều nên cũng dễ đạt được .
Lãn Ông khuyên mọi người : ăn uống có tiết chế, nghỉ ngơi có giờ giấc, không phí sức bậy bạ. Liên hệ vào thực tế cuộc sống, Lãn Ông phê phán một số hiện tượng sai trái: “Người đời nay uống rượu như uống nước, làm việc bậy bạ coi như sinh hoạt bình thường, rượu say rồi nhập phòng, sắc dục quá độ, dục vọng làm kiệt hết tinh khí, tan hết chân nguyên; không có ý thức bảo vệ đầy đủ, thường hay sử dụng tình dục quá nhiều; làm việc, nghỉ ngơi không có giờ giấc cho nên nửa đời người thì đã suy nhược; tách rời khỏi phép dưỡng sinh thì không thể tận hưởng hết tuổi thọ.”
Ngủ là một biện pháp lấy lại sức khỏe sau một ngày làm việc. Thức và ngủ lúc nào vào thời gian nào là hợp lý khoa học hợp với thời tiết 4 mùa xuân, hạ, thu, đông. Lãn Ông đã nghiên cứu sâu sắc và đưa ra những lời khuyên như sau :
- Ba tháng mùa xuân vạn vật nảy nở, khí trời đất phát động, mọi vật có hiện tượng tốt. Con người nên ngủ muộn một ít, dậy sớn một tí, đi bách bộ trước sân, tóc bỏ xõa, nới thắt lưng, mặc áo quần rộng để cho ý chí tư tưởng phát sinh đầy đủ, hoat bát. Tựa như vạn vật sơ sinh, chỉ thích sinh trưởng mà không sát hại, chỉ thích giúp đỡ mà không nên làm hao mòn, chỉ thích khen mà không nên phạt. Đấy là phép dưỡng sinh thích ứng với khí của mùa xuân. Nếu làm trái lẽ trên thì sẽ làm hại can khí, đến mùa hè lại hiện ra bệnh hàn, làm cho năng lực của nhân thể đối với mùa hè bị giảm sút.
- Ba tháng mùa hè là mùa vạn vật phát triển, tốt tươi, sinh khí thịnh vượng, mọi người cần phải ngủ muộn dậy sớm, không nên chán ghét ngày dài và trời nóng, sao cho ý chí thoải mái không giận hờn, làm cho dưỡng khí trong người được tuyên thông ra ngoài. Nếu làm trái với các lẽ trên thì tổn tâm khí, đến mùa thu phát sinh sốt rét. Do đó năng lực thích ứng với khí thu liễm của mùa thu bị giảm sút; đến mùa đông phát sinh ra nhiều bệnh khác.
- Ba tháng mùa thu vạn vật thành thục, thu hái, khí trời đã mát, tiếng gió ồn ào, khí đất héo hắt, vạn vật biến sắc; mọi người cần phải ngủ sớm dậy sớm. Trời hửng sáng thì thức dậy, trời tối thì đi ngủ làm cho ý chí được yên tĩnh để làm hòa hoãn ảnh hưởng của khí hậu heo hắt của mùa thu. Nếu làm trái thì tổn đến phế mà sang đông sẽ sinh bệnh ỉa phân sống, làm cho năng lực thích ứng với khí tiềm tàng của mùa đông bị giảm sút.
- Ba tháng mùa đông mọi vật đều tiềm phục bế tàng, cỏ cây rụng lá, côn trùng ẩn lánh hết, khí đất bế tàng, dưỡng khí ẩn nấp cho nên nước đóng băng, đất nứt nẻ. Đừng làm nhiễu động dưỡng khí, mọi người phải ngủ sớm, dậy muộn, đợi mặt trời mọc rồi hãy dậy, mất trời lặn hãy ngủ làm cho ý chí yên tĩnh như cách mai phục, bế tàng; tránh chỗ lạnh, giữ gìn ấm áp, không để bì phu sơ hở, đổ mồ hôi, làm ảnh hưởng đến dưỡng khí bế tàng. Nếu làm trái những điều nói trên sẽ làm tổn thận khí, đến mùa xuân năm tới sẽ phát sinh bệnh nuy, bênh quyết. làm con người giảm sút năng lực thích ứng với sinh khí của mùa xuân.
Lãn Ông còn khuyên mọi người nên chú trọng việc vận động kết hợp với lao động, với nghỉ ngơi để tăng sức khỏe và xem việc lao động ở nông thôn vào buổi sáng kết hợp với lao động trí óc và chân tay là phương thức rèn luyện thân thể rất tốt. Lãn Ông đánh giá rất cao công tác vệ sinh phòng bệnh cá nhân và công cộng. Lãn Ông khuyên phải giữ sạch sẽ trong việc ăn, mặc, ở từ cá nhân đến tập thể như năng tắm gội, dùng bồ kết hat na để trừ chấy, giặt giũ quần áo đều đặn bằng quả bồ hòn, bách bộ, để trừ rận, giữ sạch sẽ giường chiếu bằng bồ hòn, hoa hồi để trừ rệp; dùng vôi bột, nghệ, để diệt ruồi trong phân; dùng lá xoan, bèo cái để hun muỗi. Chiồng lợn chuồng trâu, bò phải làm xa nhà, nhắc mọi người không phóng uế bừa bãi ở xung quanh nhà, bờ sông, bồn hoa, công viên.
Đối với việc phòng ngừa các bệnh dịch, Lãn Ông chỉ dẫn các biện pháp cụ thể như: khi có dịch dùng bồ kết đàn hương, thiên niên kiện, thương truật hun nhà để bạt khí độc, đốt chổi xể, ngải cứu xông giường người bệnh, nút mũi bằng bông có tẩm nước tỏi hay tẩm bột hùng hoàng để cản khí độc khi săn sóc người bệnh, hoăc khi đi ra ngoài đường.
Đặc biệt đối với phụ nữ khi hành kinh, thai nghén, sinh đẻ, Lãn Ông khuyên : khi hành kinh cần tránh hàn thấp, kiên giao hợp và lao động nặng. Khi có thai tránh xúc động tinh thần; không giao hợp. Khi gần tháng đẻ kiêng ăn các thức ăn tanh sống cay nóng, kiêng trèo cao vác nặng, kiêng nằm nhiều và nên lao động nhẹ. Đến khi đẻ cần giữ vững tinh thần không sợ hãi, kiêng ráng sức rặn. Sau khi đẻ tránh luồng gió, không tức giận lo phiền, kiêng may vá và lao động quá sớm, kiêng ăn chất nóng lạnh, nên buộc bụng và giữ ấm bụng, nên ăn củ nghệ và uống nước chè cho thông huyết, tiêu cơm; nên bôi nghệ khi rời phòng nằm để cản gió độc và đỡ nhăn da. Sau khi đẻ kiêng giao hợp trong thời gian 100 ngày để tránh các bệnh hậu sản, bệnh tử cung và để mẹ khỏe con mạnh.
Đối với các cháu nhỏ, trong việc nuôi dưỡng, Lãn Ông khuyên: cho bú cho ăn có điều độ, có thời gian, không cho các cháu ăn các thức ăn cay chua nóng lạnh thái quá; mới bú không nên cho ăn ngay tránh cho trẻ ăn no khó tiêu; nên cho ăn nhiều bột gạo để trẻ cứng cáp. Không để trẻ nằm nơi gió lùa, nằm đất nơi quá lạnh. Khi các cháu ngủ cần đắp bụng, không để có tiếng động làm trẻ giật mình kinh sợ. Không cho trẻ ngồi lê la dưới đất, cấm chơi dao kiếm, bật lửa, vật nhọn. Không cho các cháu tập ngồi, tập đi ráng sức quá để trẻ sinh gù lưng, cong chân; nên cho cháu chơi đồ chơi thanh nhã, không cho trẻ ôm ấp súc vật. Khi trời ấm áp nên cho trẻ chơi ngoài trời để thích nghi với khí hậu, không ủ ấp trong buồng kín.
Nội dung phép dưỡng sinh của Hải Thượng Lãn Ông nêu cách đây hơn 200 năm hiện vẫn còn là những kinh nghiệm quý báu cho chúng ta áp dụng.
Lương y Nguyễn Văn Đồng
Theo suckhoedoisong.vn