Câu hỏi 36: Có khi nào bị bệnh động mạch vành mà không đau ngực không?
Câu hỏi 33: Em gái tôi 25 tuổi, được chẩn đoán bị bệnh tim bẩm sinh chưa điều trị gì. Em gái tôi muốn lấy chồng và có con được không?
- Cập nhật : 13/07/2017
Câu hỏi 33: Em gái tôi 25 tuổi, được chẩn đoán bị bệnh tim bẩm sinh chưa điều trị gì. Em gái tôi muốn lấy chồng và có con được không?
Được làm vợ và làm mẹ và có một gia đình hạnh phúc là niềm khát khao của bất kỳ người phụ nữ nào. Tuy nhiên khi không may bị bệnh tim bẩm sinh, liệu người phụ nữ có thể thực hiện được thiên chức làm mẹ được không?
Câu trả lời là “Có thể”. Để có câu trả lời chính xác phải dựa vào loại bệnh tim bẩm sinh mà bạn mắc phải. Nếu tổn thương đơn giản, bệnh nhân không có triệu chứng biểu hiện gì thì hoàn toàn CÓ thể mang thai. Còn nếu tổn thương nặng, phức tạp với những biểu hiện bệnh nặng nề thì câu trả lời là KHÔNG, ví dụ như những bệnh nhân bị tăng áp động mạch phổi, hội chứng Eisenmenger’s, tim bẩm sinh có tím, …
Khi mang thai, cơ thể người mẹ thay đổi rất nhiều cụ thể là: cung lượng tim tăng khá sớm và tăng cực đại là 50% trong quý 2 của thai kỳ, nhịp tim tăng 10-20% chính vì vậy làm cho quả tim của bạn phải làm việc nhiều hơn. Những nguy cơ có thể gặp phải khi mang thai đối với những bệnh nhân có bệnh tim bẩm sinh là: rối loạn nhịp tim, huyết khối, tai biến mạch não, suy tim, phù phổi cấp, mất máu sau đẻ, các thuốc đang dùng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, đứa trẻ cũng có thể bị suy dinh dưỡng, bị tim bẩm sinh do di truyền hoặc do tình trạng thiếu oxy trong máu của mẹ hoặc tình trạng giảm lượng máu tới thai do tình trạng suy tim của mẹ.
Chính vì vậy trước khi quyết định mang thai, bạn nhất thiết phải đi khám bác sĩ chuyên khoa tim mạch để bác sĩ cân nhắc và đưa ra quyết định bạn có thể mang thai được không và những nguy cơ bạn có thể gặp phải khi mang thai là gì, những nguy cơ đối với tình trạng thai là gì. Từ đó quyết định có thể mang thai được hay không sẽ được đưa ra dựa trên hiểu biết đầy đủ cũng như trao đổi cặn kẽ giữa bác sỹ và bạn.
Cuối cùng chúc bạn “mẹ tròn, con vuông”.
Nguồn: Hội tim mạch học Việt Nam