Câu hỏi 38: Nguyên nhân gây bệnh động mạch vành là gì?
Câu hỏi 35: Tôi nghe nói bị bệnh động mạch vành rất nguy hiểm? có các loại bệnh động mạch vành như thế nào? Làm sao biết tôi có bị bệnh động mạch vành hay không?
- Cập nhật : 13/07/2017
Câu hỏi 35: Tôi nghe nói bị bệnh động mạch vành rất nguy hiểm? có các loại bệnh động mạch vành như thế nào? Làm sao biết tôi có bị bệnh động mạch vành hay không?
Thật vậy, bệnh động mạch vành rất nguy hiểm. Theo ước tính hiện ở Mỹ có khoảng gần 7 triệu người bị bệnh động mạch vành và hàng năm có thêm khoảng 350.000 người bị đau thắt ngực mới. Tỷ lệ này ở các nước phát triển khác cũng rất đáng lo ngại. Tại châu Âu, có tới 600.000 bệnh nhân từ vong mỗi năm do bệnh động mạch vành và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt nam, bệnh động mạch vành đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng và gây nhiều thay đổi trong mô hình bệnh tim mạch
Bệnh của động mạch vành thường bao gồm 3 dạng bệnh lý như sau:
- Đau thắt ngực ổn định là tình trạng không có những diễn biến nặng lên bất ổn của cơn đau thắt ngực trong vòng vài tuần gần đây. Với đau thắt ngực ổn định thì tình trạng lâm sàng thường ổn định, cơn đau thắt ngực ngắn, xảy ra khi gắng sức, đỡ khi nghỉ và đáp ứng tốt với các thuốc nhóm Nitrates. Đau thắt ngực ổn định thường liên quan đến sự ổn định của mảng xơ vữa.
- Đau thắt ngực không ổn định là tình trạng bất ổn về lâm sàng, cơn đau thắt ngực xuất hiện nhiều và dài hơn, xảy ra cả khi bệnh nhân nghỉ ngơi và cơn đau ít đáp ứng với các Nitrates. Cơn đau này thường liên quan đến tình trạng bất ổn của mảng xơ vữa động mạch vành. Đau thắt ngực không ổn định có thể dẫn tới Nhồi máu cơ tim (NMCT) hoặc ổn định lại để thành đau thắt ngực ổn định.
- Nhồi máu cơ tim là tình trạng bị tắc hoàn toàn động mạch vành (ĐMV) một cách nhanh chóng gây hoại tử vùng cơ tim phía sau phần nuôi dưỡng của đoạn ĐMV bị tắc. Về cơ chế gây NMCT cũng giống phần nào so với cơn đau thắt ngực không ổn định là do sự nứt vỡ của mảng xơ vữa và gây huyết khối bịt tắc hoàn toàn ĐMV.
Vậy chẩn đoán bệnh như thế nào?
Nếu bạn có những triệu chứng của bệnh bạn nên đi khám bác sĩ. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn làm các xét nghiệm cần thiết như:
- Điện tâm đồ (ĐTĐ) thường quy là một thăm dò đơn giản giúp chẩn đoán bệnh.
- Xét nghiệm máu: các men tim có trong máu có thể bình thường hoặc tăng trong nhồi máu cơ tim.
- Siêu âm tim: thường giúp ích cho chẩn đoán rối loạn vận động vùng (nếu có), đánh giá chức năng thất trái (đặc biệt sau nhồi máu cơ tim) và các bệnh lý tổn thương van tim kèm theo hoặc giúp cho các bác sĩ chẩn đoán phân biệt với các bệnh khác.
- Nghiệm pháp gắng sức là phương pháp ghi lại những thay đổi của trái tim khi bạn phải hoạt động gắng sức. Như chúng ta đã biết, khi nghỉ thì dù bạn có bị hẹp ĐMV nhưng vẫn đủ khả năng để nuôi dưỡng cho phần cơ tim nên có thể sẽ không phát hiện đượng những biến đổi trên các biện pháp thăm dò thông thường (điện tim đồ, phóng xạ đồ, siêu âm tim..). Khi phải gằng sức đỏi hỏi nhu cầu cao hơn thì nơi ĐMV bị hẹp sẽ không đủ khả năng cung cấp ô xy cho cơ tim phía sau và khi đó mới lộ ra những thay đổi của việc thiếu máu cơ tim trên các thăm dò. Điện tim đồ gắng sức là một biện pháp khá hữu hiệu và kinh điển. Bạn sẽ được yêu cầu đạp xe với tốc độ tăng dần hoặc chạy trên thảm chạy có chương trình với tốc độ tăng dần, đồng thời bạn được gắn điện tim để ghi theo các diễn biến. Qua đó bác sỹ có thể biết được bạn có thể bị bệnh ĐMV hay không và mức độ như thế nào. Kết quả này có thể hướng tới các thăm dò chính xác hơn.
- Bác sĩ có thể yêu cầu bạn thông tim và chụp mạch vành. Đây là biện pháp tốt nhất và hiện đại nhất cho phép chẩn đoán bệnh lý động mạch vành bởi vì nó cho phép người bác sĩ có thể nhìn thấy chính xác động mạch vành nào bị hẹp hay tắc dưới màn huỳnh quang tăng sáng.
Nguồn: Hội tim mạch học Việt Nam