Nhiều doanh nghiệp hiện đã áp dụng chính sách tăng lương theo định kì, thế nhưng cũng có không ít đơn vị vẫn áp dụng tăng lương dựa trên sự “cống hiến”. Vì thế, nếu không muốn mức thu nhập của mình “dậm chân tại chỗ” thì bạn nên chủ động đề xuất tăng lương vào những thời điểm thích hợp.
Bác sĩ chế tạo máy giúp bệnh nhân viêm xoang khỏi mổ
- Cập nhật : 11/07/2017
(Suc khoe)
Phương pháp rửa mũi xoang bằng nội soi của bác sĩ Nguyễn Vĩnh Phước ở Bệnh viện Thống Nhất giúp nhiều người viêm xoang tránh phải mổ.
Nữ bệnh nhân 50 tuổi đã từng mổ mũi xoang một lần nhưng bệnh tái phát, chạy chữa nhiều nơi vẫn không khỏi. Chuẩn bị mổ lần 2 thì chị nghe giới thiệu về phương pháp rửa mũi xoang qua nội soi và thử. Từ đó đến nay đã 2 năm, cứ vài tháng mỗi khi cảm thấy nặng đầu, chảy mũi, chị lại vào viện rửa mũi một lần. "Rửa xong cảm giác nhẹ nhàng hẳn", bệnh nhân nói.
Gần 3 năm qua, hàng trăm bệnh nhân viêm xoang mũi đã được bác sĩ Nguyễn Vĩnh Phước, Trưởng Khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Thống Nhất áp dụng phương pháp rửa mũi xoang qua nội soi với máy phun hút. Đây là sáng kiến của vị bác sĩ nổi tiếng mê chế tạo, với những thành quả mang thương hiệu BSP, tức "bác sĩ Phước"
Ý tưởng này thai nghén qua nhiều chặng tìm tòi, phát triển trong quá trình rửa mũi cho bệnh nhân. Năm 2009, bác sĩ Phước cải tiến đầu rửa mũi. Năm 2011, ông tiếp tục giới thiệu bộ 10 ống 10 màu rửa mũi xoang qua nội soi với nhiều góc độ khác nhau. Năm 2014, ông hoàn thiện máy phun hút có thể thay đổi áp lực tia nước xịt và máy hút với đầu vòi phun hút “linh động”, đường kính 1,6-2,2 mm có thể đưa vào các lỗ thông xoang.
“Rửa mũi xoang qua nội soi áp dụng cho bệnh nhân từ 16 tuổi trở lên”, bác sĩ Phước cho biết. Kỹ thuật này giúp cải thiện tình trạng khó chịu ở những bệnh nhân không muốn phẫu thuật, đã mổ nhưng bị tái phát, theo dõi và chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật nội soi mũi xoang. Nó còn giúp cải thiện các triệu chứng cơ năng, thực thể đối với một số trường hợp có các bệnh lý nội khoa khác đi kèm không cho phép phẫu thuật.
Mới đây nhân kỷ niệm 30 năm công tác tại Bệnh viện Thống Nhất, vị bác sĩ khiến đồng nghiệp thích thú bởi món quà tự chế nhỏ xinh mang tên "Bình đựng thuốc thiết yếu". Đây vừa là móc chìa khóa, vừa là bình thép không gỉ chống được nước muối khi đi biển, đi bơi, đựng được một số viên thuốc cần thiết. Giải pháp này rất hữu ích với những người luôn cần thuốc bên cạnh trong những trường hợp đột xuất như hạ đường huyết, tăng huyết áp...
Hệ thống Microdebrider, còn gọi máy bào mô kỹ thuật số được bác sĩ Phước cải tiến để ứng dụng hiệu quả trong nhiều phẫu thuật tai mũi họng khoảng 2 năm nay. Ảnh: T.P
Vị bác sĩ kiêm “nhà chế tạo” từng được biết đến với những sáng kiến đạt giải cao trong nhiều cuộc thi. Trước khi tốt nghiệp Đại học Y dược TP HCM, ông hoàn thành chương trình học 4 năm tại trường Kỹ thuật Lasan Đà Lạt. Khi vào công tác tại Bệnh viện Thống Nhất, bác sĩ Phước đã vận dụng kiến thức y khoa cộng với hiểu biết về cơ khí để gia công chế tạo, cải tiến nhiều dụng cụ y khoa vốn đang thiếu hụt trong bối cảnh đất nước còn khó khăn khi ấy. Nhìn một bác sĩ bị cứng khớp tay do bệnh khớp, rất khó khăn khi đo huyết áp, ông chế tạo máy nén hơi dùng để đo huyết áp mà không cần phải bóp bằng tay để tặng.
Năm 1994 dụng cụ “Bình phun thuốc mũi, bình xịt thuốc họng” của ông ra đời giúp bệnh nhân có thể tự sử dụng tại nhà thay vì đến cơ sở y tế để bác sĩ sử dụng các máy móc phức tạp. Ngoài thời gian khám chữa bệnh, bác sĩ Phước lại tay búa tay kềm như một anh thợ lành nghề, cặm cụi nghiên cứu những chiếc máy hỏng xin được của bệnh viện.
“Thời đó Internet vẫn chưa xuất hiện ở Việt Nam nên khó tìm hiểu trên thế giới người ta làm được gì, mình phải tự mày mò là chủ yếu”, bác sĩ Phước cho biết. Năm 1996, đề tài "Nguồn ánh sáng lạnh dùng trong nội soi tai mũi họng” được giải B trong Hội thi sáng tạo kỹ thuật TP HCM. Thừa thắng xông lên, năm 1997 với 5 đề tài gửi dự thi, bác sĩ Phước giành được 3 giải A, C và khuyến khích. Đề tài giải A “Hộp nguồn sáng Halogen dùng nội soi” được đánh giá cao. Sáng kiến độc đáo “Dao mổ liền cán dùng một lần” giải C gây ngạc nhiên cho nhiều người, giúp ích rất nhiều trong những cuộc phẫu thuật sâu trong hốc mũi, mắt, miệng.
Không chỉ là chàng bác sĩ khoác áo blouse, là nhà chế tạo, bác sĩ Phước còn hoàn tất chương trình học lấy bằng luật sư. Ông từng tham gia tư vấn pháp luật miễn phí cho người nghèo tại hội luật gia quận 4. Nhóm phần mềm BSP cũng công bố phần mềm Pháp luật cho mọi người gồm nhiều nội dung về pháp luật, tra cứu văn bản được nén trong một đĩa CD. Một thời gian dài ông là chuyên viên tư vấn y tế của tổng đài điện thoại. Những năm về sau dù không tham gia dự thi nhưng những sáng kiến của ông vẫn đều đặn giúp ích cho bệnh nhân.
Giáo sư Nguyễn Đức Công, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất cho biết bác sĩ Phước là người chịu khó tìm tòi học hỏi, có nhiều sáng kiến giúp ích cho bệnh nhân. Bệnh viện cũng tạo điều kiện đưa các sáng chế BSP vào ứng dụng trong khám chữa bệnh và nhân rộng, mang lại hiệu quả rất tốt.
Không chỉ là chàng bác sĩ khoác áo blouse, là nhà chế tạo, bác sĩ Phước còn là một luật sư tham gia tư vấn miễn phí cho người nghèo. Ảnh: T.P
Chàng trai ngày nào từng thả những con tàu bằng xốp chạy bằng động cơ khiến bạn bè Đà Lạt thán phục, nay đã là trưởng khoa ở tuổi 55 không ngừng nghỉ đam mê chế tạo. Điều anh trăn trở là hầu hết trang thiết bị y tế từ phức tạp đến đơn giản sử dụng trong bệnh viện đều là hàng ngoại nhập, trong khi trình độ các nhà khoa học Việt Nam hoàn toàn có thể làm được. “Nếu nhà nước tạo điều kiện để Bộ Y tế, các nhà khoa học cùng ngồi lại bàn phương hướng thì có thể sản xuất được rất nhiều, đỡ lãng phí nguồn tiền rất lớn để đi mua trang thiết bị từ nước ngoài”, bác sĩ Phước chia sẻ.
Lê Phương