Axit trong dạ dày tiêu diệt hết lợi khuẩn nên việc ăn sữa chua của trẻ không còn tác dụng tăng lợi khuẩn?
Trẻ bị sốt co giật: Những sai lầm nguy hiểm phụ huynh thường mắc phải
- Cập nhật : 31/08/2017
Thấy con sốt co giật, nhiều phụ huynh vắt chanh vào miệng trẻ, cho đầu đũa, đầu muỗng vào miệng nhằm cho trẻ không cắn răng, lưỡi. Tuy nhiên, việc làm này vô cùng nguy hiểm đến tính mạng trẻ, làm tình trạng bệnh trở nặng hơn.
Gây ngạt đường thở, hóc dị vật
Bác sĩ Nguyễn Quang Vinh (Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM) cho biết bệnh viện đã từng tiếp nhận những trường hợp bệnh nhi sốt co giật dẫn đến viêm phổi cấp, toàn bộ cơ thể tím tái. Những ca này, theo lời kể của người nhà bệnh nhi, khi thấy trẻ lên cơn sốt co giật, người nhà đã vắt chanh vào miệng để giảm bệnh cho trẻ.
“Tuy nhiên, việc vắt chanh không hề làm giảm cơn co giật nhưng lại gây cản trở đường thở của trẻ khiến trẻ nguy hiểm hơn”, bác sĩ Vinh khẳng định.
Một trường hợp khác là trẻ vào viện trong tình trạng viêm phổi cấp, phải thở bằng máy. Sau khi chụp CT các bác sĩ mới phát hiện bệnh nhi bị hóc dị vật là chiếc răng đang mắc ở họng.
Người nhà cho biết, khi thấy con co giật đã dùng đầu muỗng, đầu đũa cho vào miệng để trẻ không bị nghiến rắng, cắn lưỡi. Nào ngờ, trong lúc cố gắng đưa đầu muỗng vào miệng trẻ đã khiến răng đứa trẻ bị gãy và mắc ở cuống họng làm nghẹt thở, viêm phổi cấp.
Theo bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1: Nhiều bậc cha mẹ chưa hiểu đúng về sốt co giật ở trẻ và tự điều trị cho con sai cách.
“Vắt chanh vào miệng trẻ, cho đầu đũa, đầu muỗng vào miệng trẻ là vô cùng nguy hiểm, vô tình làm tình trạng bệnh trở nặng hơn vì có thể gây nguy cơ hóc dị vật hay thức ăn vào đường thở, gây ngạt, tắt đường thở, nguy hiểm đến tính mạng trẻ", bác sĩ Phương khuyến cáo.
Xử lý đúng khi trẻ sốt co giật
Bác sĩ Phương cho biết đối với những trường hợp sốt co giật thông thường, phụ huynh phải theo dõi con liên tục, tránh để trẻ co giật đến tím tái.
Phụ huynh tuyệt đối không vắt chanh, cho đầu đũa, muỗng vào miệng trẻ khi trẻ bị sốt co giật. Tuyệt đối không cạy miệng trẻ tránh làm gãy răng, gây dị vật đường thở
Bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM)
Nếu trẻ lên cơn sốt phải tìm cách cho trẻ hạ sốt ngay bằng cách: Cởi đồ và lau bằng nước ấm để giảm thân nhiệt cho trẻ. Cho trẻ uống hoặc đặt thuốc hạ sốt ở hậu môn.
“Khi sốt co giật, trẻ thường bị mất ý thức, phản xạ hầu, họng mất đi, biểu hiện là tình trạng hít sặc. Di chứng cơ bản nhất là tình trạng thiếu oxy ở não. Phụ huynh cần tìm cách làm cho nhớt từ miệng trẻ chảy ra để không làm thiếu oxy, bằng cách ngửa đầu trẻ ra để đường thở được thông”, bác sĩ Phương nói.
Khi xử lý tại nhà, cha mẹ cần cho bé nằm đầu trên gối cao để đường thở thông thoáng, nghiêng đầu sang một bên. Có thể dùng vật mềm đặt giữa hai hàm răng trẻ.
"Phụ huynh tuyệt đối không vắt chanh, cho đầu đũa, muỗng vào miệng trẻ khi trẻ bị sốt co giật. Tuyệt đối không cạy miệng trẻ tránh làm gãy răng, gây dị vật đường thở", bác sĩ Phương nhấn mạnh
Thông thường khi trẻ bị co giật lành tính thì trẻ sẽ tự hết.
Bác sĩ Phương cho biết sốt co giật là tình trạng cấp cứu thường gặp ở trẻ nhỏ, trung bình mỗi năm có khoảng hơn 300 ca nhập viện Bệnh viện Nhi đồng 1 để điều trị. Thế nhưng, hầu hết đều là những ca sốt cao co giật lành tính. Trung bình mỗi ngày, nơi đây tiếp nhận khoảng 10 trẻ bị co giật, trong đó có 7 trường hợp sốt cao co giật lành tính.
Theo bác sĩ Phương, sốt cao co giật lành tính thường xảy ra ở trẻ từ 5 tháng đến 6 tuổi, khi trẻ sốt cao trên 39 độ C. Bệnh được gọi là lành tính vì trẻ chỉ co giật một lần, cơn co giật ngắn (1-2 phút), sau đó tự động hết, trẻ tỉnh táo sau khi co giật, không có biến chứng.
Nếu bị sốt co giật do bệnh lý, trẻ có thể diễn tiến tới viêm não, với mức độ tử vong lên đến 30%. Vì thế, các bậc cha mẹ nên bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân khi trẻ sốt co giật để điều trị đúng cách, sớm đưa đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán nguyên nhân sốt co giật.
Thanh Vy
Theo Thanhnien.vn