Viêm loét miệng, bệnh nha chu, sâu răng có thể phòng tránh nếu răng trẻ được chăm sóc kỹ và thăm khám thường xuyên.
Trẻ tiêu chảy cấp - Nên ăn gì, kiêng gì?
- Cập nhật : 12/09/2017
Mùa hè dễ bùng phát các bệnh về đường tiêu hóa, đặc biệt với trẻ nhỏ, cần cảnh giác đề phòng bị tiêu chảy cấp.
Mùa hè dễ bùng phát các bệnh về đường tiêu hóa, đặc biệt với trẻ nhỏ, cần cảnh giác đề phòng bị tiêu chảy cấp. Khi bị tiêu chảy, trẻ có nhiều nguy cơ suy dinh dưỡng, thậm chí tử vong nếu không được chăm sóc và điều trị đúng. Vì vậy, cần phải có sự hiểu biết nhất định về bệnh để có những phương pháp điều trị đúng cách, không làm ảnh hưởng tới sức khỏe và quá trình phát triển của trẻ nhỏ.
Gọi là tiêu chảy khi trẻ đi tiêu trên 3 lần trong ngày. Bệnh tiêu chảy cấp thường diễn ra vài ngày hoặc cả tuần, nếu xảy ra trên 2 tuần là tiêu chảy kéo dài.Nguyên nhân chính là do ăn phải thức ăn nhiễm khuẩn, bàn tay bẩn không rửa sạch trước khi cầm thức ăn. Vi khuẩn, virut sẽ theo đó tới ruột và ở đây, chúng sinh sôi nảy nở rất nhanh và bài tiết ra các độc chất. Lúc này, cơ thể sẽ phản ứng lại ngay bằng cách huy động nhiều nước vào ruột để hòa tan các virut, vi khuẩn và các chất độc do chúng sinh ra, đồng thời ruột co bóp mạnh để thải nước đó mang theo virut, vi khuẩn và các chất độc ra ngoài cơ thể, dẫn đến tiêu chảy.
Không thể chủ quan
Tiêu chảy nếu không được điều trị và chăm sóc đúng có thể dẫn đến nguy cơ tử vong hoặc suy dinh dưỡng.
Nguy cơ tử vong: Nếu không được bù nước và điện giải, cơ thể sẽ lâm vào tình trạng mất nước và điện giải. Các công trình nghiên cứu về bệnh tiêu chảy đã chứng minh có tới 70% số tử vong là do mất nước. Số còn lại do các nguyên nhân nhiễm độc, viêm phổi...
Nguy cơ suy dinh dưỡng: Vì trong khi tiêu chảy, các chất dinh dưỡng không được cung cấp đầy đủ do trẻ chán ăn, hơn nữa, do gia đình thường mắc sai lầm là không cho trẻ ăn vì sợ ăn vào sẽ tăng tiêu chảy. Hậu quả khi trẻ khỏi bệnh tiêu chảy thì lại bị suy dinh dưỡng.
Những việc cần làm
Cho uống oresol (pha theo chỉ dẫn) và các loại nước khác (nước cháo muối, nước gạo rang). Ngay từ ngày đầu tiêu chảy, cứ sau mỗi lần đi tiêu cho trẻ uống từ 50 - 100ml đối với trẻ dưới 2 tuổi và từ 100 - 200ml đối với trẻ trên 2 tuổi.
Nước cháo muối: 1 nắm gạo (50g) + 1 nhúm muối (3,5g) + 6 bát ăn cơm nước, đun nhừ lọc lấy nước đủ 1 lít.
Nước gạo rang: 50g gạo rang vàng và nấu như nước cháo muối.
Chế độ ăn
Trẻ bú mẹ vẫn cho bú bình thường và tăng thêm số lần bú.
Trẻ không bú mẹ: pha loãng sữa bò với nước cháo hoặc nước cà rốt (pha loãng bằng 1/2 so với bình thường), cho ăn nhiều bữa trong ngày.
Đối với trẻ đã ăn bổ sung: ngoài sữa mẹ cho ăn bột, cháo, súp nấu với thịt lợn nạc, thịt gà, cà rốt, nấu nhừ loãng hơn bình thường và cho thêm dầu thực vật. Cho trẻ ăn nhiều bữa trong ngày (6-8 bữa/ngày).
Khi trẻ đỡ tiêu chảy thì chuyển dần sang chế độ ăn bình thường.
Các loại thực phẩm nên dùng khi trẻ bị tiêu chảy cấp:
Gạo (bột gạo), khoai tây, cà rốt.
Thịt gà, thịt lợn nạc.
Sữa đậu nành, sữa bò ít lactose hoặc không có lactose.
Chuối, hồng xiêm.
Dầu thực vật
Thực phẩm cần tránh:
Các loại nước giải khát công nghiệp có ga và nhiều đường;
Các loại thực phẩm có nhiều xơ, ít chất dinh dưỡng như: tinh bột nguyên hạt (đỗ, ngô) và các loại rau có nhiều chất xơ;
Các loại thức ăn có nhiều đường: bánh, kẹo...
Các thức ăn chế biến sẵn: giò, chả, xúc xích, thịt hun khói, patê...
BS. Ngô Thị Mỹ Hà
Theo Sức khỏe & Đời sống