Hẳn nhiều người trong chúng ta không nhận ra vai trò quan trọng của kali trong cơ thể. Nó quan trọng đối với sức khỏe cơ, việc thực hiện chức năng dây thần kinh và hệ thống tim mạch.
Ăn gì để hết bị chuột rút?
- Cập nhật : 11/04/2018
Thời gian gần đây, tôi rất hay bị chuột rút, nhất là về đêm. Ngày nào đi làm về tôi cũng cố gắng xoa bóp hai chân nhưng không đỡ…
Không chỉ tôi, chồng tôi (60 tuổi) thời gian gần đây thỉnh thoảng cũng bị chuột rút. Phải chăng đơn giản là do tuổi già, do thời tiết, hay đó còn là dấu hiệu của bệnh gì? Có cách nào để bớt không, vì chuột rút hoài làm tôi mất ngủ? Chúng tôi có lối sống khá lành mạnh, buổi sáng cả hai vợ chồng đều dậy sớm chạy bộ, ăn uống cũng đơn giản…
(Trần Thị Hương, 54 tuổi, quận 6, TP HCM)
Lương y Đinh Công Bảy, Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP HCM:
Chuột rút có nhiều nguyên nhân, ví dụ như thiếu canxi, thiếu các vitamin nhóm B, tăng tiết axit lactic và hạ kali máu do vận động quá sức, suy tĩnh mạch, có những cục máu đông trong mạch máu… Tuổi tác, loãng xương, bệnh động kinh… là những yếu tố cộng thêm khiến nguy cơ chuột rút gia tăng.
Lúc đang bị chuột rút, anh chị cần xoa bóp, kéo giãn cơ, làm ấm vùng bị chuột rút. Khi vừa hết thì tránh cử động mạnh ngay vì có thể làm chuột rút tái diễn.
Anh chị rất có thể gặp những nguy cơ đến từ chế độ dinh dưỡng vì cả hai vợ chồng cùng bị. Như tôi đã nói, thiếu canxi và vitamin nhóm B dễ dẫn đến chuột rút. Anh chị cần bổ sung hai thứ này.
Canxi có nhiều trong hải sản, sữa, các loại đậu.
Ba vitamin nhóm B liên quan mật thiết đến chuột rút là B1, B6, B12. B1 có nhiều trong cám gạo, B6 có nhiều trong các loại đậu, B12 có nhiều trong thịt đỏ, cá biển. Vì thế, nhiều người ăn kiêng quá khắt khe, thiếu thịt cá, không ăn cơm… cũng dễ gặp chuột rút.
Vì các thứ mang lại canxi và 3 vitamin nhóm B trên là các món rất bổ dưỡng, anh chị nên ăn nhiều rau trong bữa ăn để cân bằng lại.
Chuột rút do tăng axit lactic dễ gặp sau khi lao động hoặc tập thể thao quá sức. Anh chị nên tập vừa sức. Nếu mới bắt đầu chế độ tập luyện thời gian gần đây hoặc đã bỏ tập lâu nay mới tập lại, anh chị cần tập nhẹ nhàng những hôm đầu, cường độ tăng dần vào những ngày sau, tránh ngày đầu đã tập quá nhiều. Các bài tập cũng phải điều chỉnh cho vừa với tuổi tác. Tập xong nên uống bù nước điện giải (ví dụ dung dịch oresol), ăn nhiều rau xanh, củ quả để bù kali, magie (chuối, cam…).
Tuy nhiên, nếu tình trạng chuột rút diễn ra quá thường xuyên, có xu hướng nặng dần hoặc đã điều chỉnh lối sống, ăn uống mà không đỡ, anh chị nên đi khám bác sĩ. Bởi lẽ, như tôi đã nói, chuột rút còn có các nguyên nhân như suy tĩnh mạch, có cục máu đông trong mạch máu… Các vấn đề này nếu không được chữa trị kịp thời sẽ rất nguy hiểm.
Anh Thư thực hiện
Theo Nld.com.vn