Người cao tuổi thường ốm đau do nhiều bệnh, cần uống nhiều thuốc. Thế giới đã đúc kết kinh nghiệm chăm sóc bồi dưỡng và sử dụng thuốc cho các cụ. Bài báo này tóm tắt kinh nghiệm tốt ở nước ngoài để nghiên cứu áp dụng.
Chứng điếc đột ngột ở người cao tuổi
- Cập nhật : 09/06/2015
Một số người cao tuổi khi ngủ dậy bỗng thấy ù tai, chóng mặt và điếc đột ngột. Theo các chuyên gia y tế, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, điếc đột ngột sẽ dẫn tới điếc vĩnh viễn.
Bệnh tăng ở người cao tuổi
Để phòng bệnh, người cao tuổi nên đi khám tai, mũi, họng định kỳ |
Anh Bùi Việt Tùng, 40 tuổi, trú ở quận Long Biên (Hà Nội) đến khám tại Bệnh viện Tai-Mũi-Họng TƯ cho biết: Bình thường buổi sáng anh hay vừa ăn điểm tâm, vừa xem tivi trước khi đi làm. Bỗng dưng, anh không thể nghe rõ tiếng cô phát thanh viên nói về vấn đề gì, trong khi cậu con trai giật mình khóc toáng trên phòng ngủ vì tiếng ti vi mở to quá cỡ. Kết quả khám bệnh, anh Tùng bị chứng điếc đột ngột độ 3.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Thành, 63 tuổi, trú tại đường Giải Phóng (Hà Nội) cho biết: Cách đây vài hôm, bà Thành ngủ dậy bỗng thấy chóng mặt từng cơn kéo dài, ù tai, sau đó không nghe rõ mọi tiếng động xung quanh. Do nhà ở gần Bệnh viện Tai- Mũi - Họng TƯ nên người nhà đưa bà đến viện để khám. Bác sỹ kết luận bà bị chứng điếc đột ngột ở người già.
Cùng độ tuổi 63 như bà Thành, ông Mai Minh Tân ở Võ Nhai (Thái Nguyên) cũng đến bệnh viện khám sau 1 năm tự nhiên bị điếc. Theo người nhà ông Tân, trước đó ông Tân đã bị bệnh viêm tai nhưng chỉ chữa qua loa. Khi ông Tân bị điếc, người nhà lại cho rằng chắc là mắc bệnh ngễnh ngãng ở tuổi già nên cũng không ai quan tâm chạy chữa. Chỉ đến khi căn bệnh khiến ông Tân suy nhược cơ thể do không ngủ được, không muốn ăn uống, chẳng chịu tiếp xúc với ai và có biểu hiện trầm cảm, người nhà mới vội vàng đưa xuống viện khám và phát hiện ra ông mắc chứng điếc đột ngột.
Theo TS. BS Võ Thanh Quang, Giám đốc BV Tai – Mũi - Họng TW, chứng điếc đột ngột đang có xu hướng gia tăng ở người già. Bệnh thường xảy ra trong vòng vài ngày hoặc vài giờ do bộ phận tiếp nhận thần kinh thính giác ở tai trong bị ảnh hưởng. Thông thường, bệnh nhân không có triệu chứng nào ngoài dấu hiệu giảm sức nghe, ù tai, tiếng kêu o o trong tai, chóng mặt thành từng cơn kéo dài vài phút nên nhiều người chủ quan nghĩ tai sẽ phục hồi. Bệnh thường xảy ra ở một bên tai, nhưng cũng có thể xảy ra ở hai tai.
Nên đi khám sau 24 giờ
Điếc gây nhiều ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh, cản trở sinh hoạt giao tiếp. Những tiếng ù hoặc tiếng động lạ trong tai còn làm cho bệnh nhân khó chịu, rối loạn giấc ngủ vì càng về đêm tiếng ồn ở trong tai càng lớn khiến người già không ngủ được dẫn tới suy nhược cơ thể.
TS.BS Võ Thanh Quang (Giám đốc BV Tai-Mũi-Họng TW) |
Cũng theo TS Võ Thanh Quang, có nhiều nguyên nhân dẫn đến điếc đột ngột ở người già như: Tổn thương màng nhĩ, viêm nhiễm tai do lâu ngày không được vệ sinh tạo thành nút ráy tai bít lấp ống tai, dẫn đến gây nghe kém. Ảnh hưởng của bệnh tiểu đường, cao huyết áp; thay đổi cảm xúc, nóng lạnh đột ngột. Ngoài ra, do mạch máu thần kinh bị co thắt đột ngột làm rối loạn mạch máu nuôi vùng tai hoặc do bệnh miễn dịch, ngộ độc về thuốc cũng gây điếc.
Để phòng bệnh, bác sĩ Thanh Quang cho rằng, quan trọng nhất là nghỉ ngơi, có chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng hợp lý. Nên ăn nhạt, hạn chế sử dụng chất kích thích như thuốc lá, cà phê... Tránh những thay đổi đột ngột, va đập mạnh, xúc động quá mức, những tiếng ồn cao. Thường xuyên vệ sinh tai bằng bông, tránh dùng vật lạ để vệ sinh, lấy ráy tai vì dễ gây viêm nhiễm, tổn thương tai.
Hàng năm, nên đưa người cao tuổi đi khám đo thính giác tại các chuyên khoa tai mũi họng. “Khi có hiện tượng ù tai, chóng mặt hay giảm sức nghe, bệnh nhân nên đến các bệnh viện chuyên khoa tai mũi họng khám ngay trong 24 giờ đầu là tốt nhất. Càng để lâu, khả năng phục hồi thính lực càng thấp. Nếu điều trị sau 7 ngày, khả năng điếc vĩnh viễn sẽ rất cao”- TS Võ Thanh Quang khuyến cáo.
(Theo Bacsi Online )
Trở về