Câu hỏi 28: Tôi đang được dùng thuốc hạ lipid máu tên là Crestor 10 mg/ngày. Xin cho biết lợi ích và những tác dụng phụ? Có những loại thuốc nào khác điều trị được bệnh này không?
Câu hỏi 26: Tôi 50 tuổi, nam giới, vừa qua được khám sức khỏe định kỳ, ... Xin cho biết các thành phần trong mỡ máu và ảnh hưởng đến các bệnh
- Cập nhật : 06/07/2017
Câu hỏi 26: Tôi 50 tuổi, nam giới, vừa qua được khám sức khỏe định kỳ, bác sỹ có nói là mỡ trong máu cao, nhưng tôi lại thấy có một thành phần HDL-C thấp hơn bình thường, vậy có đúng không? Xin cho biết các thành phần trong mỡ máu và ảnh hưởng đến các bệnh
Trả lời:
Cholesterol và triglycerid máu là các thành phần chất béo ở trong máu. Chúng thường được gọi là các thành phần của mỡ máu hay chính xác hơn là lipid máu.
Tất cả chúng ta đều có cholesterol và triglycerid trong máu. Các cholesterol thường có nguồn gốc từ thức ăn của chúng ta, tuy nhiên cơ thể có thể tạo ra tất cả các cholesterol cần thiết. Triglycerid máu có nguồn gốc từ thức ăn do chúng ta ăn vào. Sau khi ăn chất béo (mỡ), triglycerid và cholesterol được hấp thu vào tế bào ruột dưới dạng acid béo và cholesterol tự do (chuyển hóa lipid ngoại sinh). Trong cơ thể các cholesterol cũng được tổng hợp tại các tế bào gan (chuyển hóa lipid nội sinh).
Vì không tan trong nước nên để tuần hoàn được trong huyết tương, các lipid phải được kết hợp với các protein dưới dạng phức hợp phân tử lớn gọi là lipoprotein.
Có 6 loại lipoprotein khác nhau về tỷ trọng, nhưng có 2 loại được quan tâm nhất là Lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL-C: Low Density Lipoprotein Cholesterol) và Lipoprotein tỷ trọng cao (HDL-C: High Density Lipoprotein Cholesterol). Trong đó, Lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL-C) là một loại cholesterol có hại vì LDL có vai trò chuyên chở cholesterol từ gan đi khắp cơ thể, nên nếu các tế bào của cơ thể không thu nhận, cholesterol thừa lưu thông trong máu sẽ tích tụ và tạo thành mảng xơ vữa trong lòng động mạch. Còn Lipoprotein tỷ trọng cao (HDL-C) là một loại cholesterol có ích vì HDL có nhiệm vụ thu dọn, chuyên chở cholesterol dư thừa không cần thiết trở về gan để phần lớn biến đổi thành acid mật và bài tiết theo mật ra khỏi cơ thể. Như vậy HDL làm giảm nguy cơ gây xơ vữa, do đó còn được gọi là “bạn tốt bảo vệ tim”.
Ngoài ra còn có Lipoprotein có tỷ trọng rất thấp (VLDL: very low density lipoprotein) chủ yếu do gan, một phần nhỏ do ruột tổng hợp, mang nhiều triglycerid nội sinh.
“Mỡ trong máu cao” là cách nói thường ngày của dân ta để ám chỉ tình trạng các chất béo có trong máu như cholesterol, triglycerid vượt quá giới hạn bình thường. Tuy nhiên nếu đúng phải gọi là rối loạn lipid máu vì có một thành phần chất béo là lipoprotein tỷ trọng cao (HDL-C) không tăng mà lại giảm là có hại, đúng như câu hỏi bạn đã nêu ra.
Nguồn: Hội tim mạch học Việt Nam