Khi con người càng cao tuổi thì các bộ phận trong cơ thể càng bị lão hóa. Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về sự lão hóa của thận ở người, người ta nhận ra rằng khả năng thích ứng của thận rất tốt đối với quá trình tích tụ tuổi của cơ thể. Khi có tuổi thì kích thước thận sẽ giảm đi, lưu lượng máu qua thận giảm và mức lọc cầu thận cũng giảm dần. Sự lão hóa của nhu mô thận đã dẫn đến thay đổi chức năng nội tiết và bài tiết nước tiểu của thận. Theo các chuyên gia niệu học thì người cao tuổi hay gặp 4 nhóm bệnh chính về thận gồm: nhiễm trùng đường tiết niệu, bệnh thoái hóa mạch máu thận, viêm cầu thận và suy thận.
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Ở người cao tuổi có thể gặp cả nhiễm trùng tiểu trên (viêm thận bể thận, áp-xe quanh thận, áp-xe thận) và nhiễm trùng tiểu dưới (viêm bàng quang, viêm tiền liệt tuyến, viêm niệu đạo). Do đặc điểm ở người lớn tuổi hay gặp các rối loạn về tâm thần (sa sút trí tuệ) và tiểu không kiểm soát được nên nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu cao hơn các nhóm tuổi trẻ hơn.
Thật ra, về mặt lâm sàng rất khó phân biệt nhiễm trùng tiểu trên hay dưới ở người cao tuổi, đôi khi không có biểu hiện lâm sàng nào đặc trưng cả. Biểu hiện lâm sàng thường gặp là sốt, đặc biệt lạnh run nên xem xét đến khả năng bị nhiễm trùng huyết. Một số trường hợp người cao tuổi lại bị hạ thân nhiệt. Có thể không sốt cao mà chỉ là nóng gay và ớn lạnh, đôi khi do sa sút trí tuệ nên không nhận biết được đang bị sốt. Trong trường hợp nhiễm trùng nặng có thể gây ra nhịp tim nhanh, thở nhanh và giảm số lượng nước tiểu. Thậm chí một số trường hợp có thể làm cho rối loạn tâm thần trầm trọng thêm. Ở nam giới có thể gặp tiểu gắt, tiểu buốt. Nếu là viêm tiền liệt tuyến ở nam thì có triệu chứng sốt, lạnh run, đau lưng và tầng sinh môn, dấu hiệu tắc nghẽn đường tiểu dưới, khám sẽ phát hiện tuyến tiền liệt sưng, đau. Có thể gặp tiểu ra nước tiểu lợn cợn hoặc có mủ dù không có triệu chứng gì khác.
Khi nghi ngờ bị nhiễm trùng đường tiết niệu dù vị trí nào cũng sẽ được chẩn đoán xác định bằng xét nghiệm nước tiểu. Tất nhiên, mẫu nước tiểu phải được lấy cho đúng, lấy nước tiểu giữa dòng sau khi vệ sinh lỗ niệu đạo ngoài và đựng bằng lọ vô khuẩn của cơ sở y tế. Soi nước tiểu trực tiếp để đếm số lượng bạch cầu và tìm sự hiện diện của vi khuẩn. Sau đó là cấy nước tiểu, nếu có trên 100.000 khúm vi khuẩn trong 1ml nước tiểu thì xem như bị nhiễm trùng, có thể định danh vi khuẩn gây bệnh và làm kháng sinh đồ để điều trị chính xác. Ngoài ra, người ta có thể xét nghiệm máu để thấy được sự tăng của bạch cầu trong nhiễm trùng, chụp X-quang hệ niệu, siêu âm hệ niệu…
Điều trị đặc hiệu cho nhiễm trùng đường tiết niệu chính là kháng sinh, tốt nhất là dựa trên kết quả khángsinh đồ. Tuy nhiên, phải mất nhiều ngày mới có kết quả kháng sinh đồ, vì vậy người ta khuyên điều trị theo kinh nghiệm rồi điều chỉnh khi có kết quả. Bệnh nhân không nên tự ý mua thuốc kháng sinh để dùng vì khả năng gây kháng thuốc rất cao. Trường hợp tiểu mủ hoặc máu phải đến bác sĩ chuyên khoa niệu khám ngay vì có thể có biến chứng. Nếu nhiễm trùng tiểu mãn tính không được điều trị thỏa đáng sẽ có thể đưa đến suy thận, ở người cao tuổi tình trạng suy thận sẽ diễn tiến xấu và rất nhanh chóng đến giai đoạn cuối.
Viêm cầu thận tiến triển nhanh
Trong nhiều công trình nghiên cứu cho thấy, số lượng người lớn tuổi trên 60 bị viêm cầu thận tiến triển nhiều hơn tuổi trẻ (qua sinh thiết thận hàng loạt để xác định tình trạng viêm cầu thận). Dù viêm cầu thận hay gặp ở người trẻ và trẻ em nhưng nếu xảy ra ở người lớn tuổi thì tiến triển rất nhanh và không hồi phục. Bệnh xuất hiện từ từ, thận sẽ suy giảm chức năng dần dần và thường kết hợp với thiểu niệu. Hay kết hợp với nhiễm trùng niệu. Triệu chứng chủ yếu là mệt, thiếu máu, cao huyết áp và đôi khi không có triệu chứng nào. Xét nghiệm nước tiểu cho thấy có nhiều hồng cầu (tiểu máu), nhiều đạm.
Xơ hóa mạch máu thận
Trong quá trình lão hóa của cơ thể, mạch máu toàn thân bị xơ hóa và mạch máu thận cũng không là một ngoại lệ. Chúng ta biết nhiều đến tình trạng xơ vữa mạch máu não gây tai biến mạch máu não, xơ vữa mạch vành tim gây ra bệnh lý mạch vành, còn xơ vữa mạch máu thận thì ít khi được đề cập đến. Trong các nghiên cứu cho thấy, có sự tương xứng giữa mức độ xơ vữa động mạch chủ bụng và tình trạng xơ vữa mạch máu thận. Xơ vữa động mạch thận sẽ đưa đến sự hẹp và gây ra triệu chứng. Triệu chứng hay gặp là cao huyết áp, giảm tưới máu nhu mô thận, giảm độ lọc cầu thận và cuối cùng đưa đến suy thận mãn. Người cao tuổi có hẹp động mạch thận, chỉ cần một yếu tố rối loạn nước điện giải xảy ra hoặc nhiễm trùng sẽ nhanh chóng đưa đến tình trạng suy thận mất bù.
Để phòng ngừa, người ta thường khuyên sinh hoạt và chế độ ăn uống theo dõi giống như người có nguy cơ bệnh mạch máu não hoặc bệnh mạch vành. Ngày nay, nhờ kỹ thuật chụp động mạch thận qua máy chụp mạch máu xóa nền (DSA) nên có thể dễ dàng xác định tình trạng hẹp mạch máu thận. Qua máy DSA có thể can thiệp đặt giá đỡ để chống hẹp động mạch thận.
Suy thận cấp ở người cao tuổi
Suy thận cấp ở người cao tuổi rất khác so với suy thận cấp ở người trẻ, cần phải được lưu ý kỹ càng hơn. Ở người có tuổi hay gặp tình trạng suy thận cấp trước thận, có nghĩa là tình trạng lưu lượng máu đến thận bị giảm. Ở người lớn tuổi hay gặp các yếu tố thuận lợi như: cung cấp nước không đầy đủ (do người cao tuổi hay quên, bị sa sút trí tuệ hoặc chăm sóc kém …), giảm cô đặc thận và ứ muối, giảm thể tích máu đến thận do hạ huyết áp (do dùng quá liều thuốc hạ áp hoặc lợi tiểu quá mức). Ở người cao tuổi là nam giới cũng hay gặp tình trạng suy thận do phì đại tiền liệt tuyến gây nghẽn tắc đường tiểu. Khác với người trẻ, suy thận cấp ở người lớn tuổi cần phải có thái độ xử lý tích cực bằng thẩm phân phúc mạc, hoặc lọc máu nhân tạo để tránh tác hại của tình trạng tăng ure máu và giảm nguy cơ bị nhiễm trùng.