Trĩ là tên căn bệnh làm giãn, sau đó làm phình mạch, tạo thành từng búi tĩnh mạch vùng hậu môn - trực tràng. Trĩ có 2 loại: trĩ nội và trĩ ngoại, căn cứ vào vị trí các búi trĩ ở trong sâu hay lộ ra ngoài hậu môn. Ngoài ra còn có loại “thập thò” giữa 2 dạng trên.
Bệnh trĩ hay rơi vào những người bị táo bón kéo dài hoặc làm công việc phải đứng lâu, ngồi nhiều và bị những bệnh làm máu huyết ứ trệ. Trĩ gây đau đớn, phiền toái trong sinh hoạt. Không chữa trị có thể dẫn đến biến chứng viêm tắc tĩnh mạch, huyết khối… do búi trĩ chèn thắt lẫn nhau. Điều trị trĩ triệt để cần áp dụng biện pháp “trong uống ngoài thoa” nhằm gia cường thành tĩnh mạch, hỗ trợ lưu thông máu và kết hợp các biện pháp làm teo búi trĩ (tiêm thuốc làm teo, thắt dây thun, phẫu thuật…).
|
Các loại rau quả, ngũ cốc là ứng cử viên số một cung cấp chất xơ |
Tây dược có khá nhiều hiệu thuốc trị căn bệnh này nhưng cũng đầy tác dụng phụ, do đó chỉ có cách ăn uống chống táo bón là phương pháp hiệu nghiệm nhất với người bệnh. Trước tiên, người bệnh trĩ cần uống nhiều nước trong mọi trường hợp (nước giải khát, bữa ăn có nhiều canh…) vì nước khá đắc lợi trong việc làm mềm phân.
Ngoài ra, tăng cường chất xơ trong thức ăn vì chất xơ tham gia trữ nước đáng kể trong ruột, làm phân dễ bở ra nên dễ dàng khi di chuyển. Các loại rau quả, ngũ cốc là ứng cử viên số một cung cấp chất xơ như đậu trắng, ngũ cốc xay, cà rốt, chuối măng, quả mơ, súp lơ, cam, dâu tây…
Các bài thuốc dân gian chữa táo bón còn có rau diếp cá chế biến trong bữa ăn hay sắc nước uống; hoa hòe hãm trà uống mỗi ngày; khoai lang luộc hay sắc nước uống; mướp cũng được nhắc đến nhờ cung cấp chất nhầy, góp phần làm trơn khối phân.
Thỉnh thoảng, có thể ngâm mông vào thau nước lạnh để tránh xung huyết. Sau cùng, nên tránh những “khắc tinh” của bệnh trĩ như trà, cà phê, thuốc lá, rượu và hạn chế dùng quá nhiều gia vị trong bữa ăn. Người bệnh nên chơi thể thao, đi bộ góp phần làm máu huyết lưu thông dễ dàng.
Bs Đỗ Minh Tuấn