Trong thời đại ngày nay, trò chơi điện tử đã trở thành nhu cầu giải trí không thể thiếu của phần lớn trẻ em, đặc biệt là trẻ em sống ở các thành phố lớn. Mặc dù không có nhiều nghiên cứu về những ảnh hưởng về mặt sức khỏe do trò chơi điện tử gây ra, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng những tác động có hại đến sức khỏe trẻ em do chơi trò chơi điện tử cũng tương tự như những tác động gây ra do xem truyền hình không điều độ vì đây đều là những nguyên nhân gây hạn chế các hoạt động thể lực cho trẻ.
Theo nhà nghiên cứu, có mối liên quan giữa việc chơi trò chơi điện tử với sự gia tăng tình trạng béo phì và những tổn thương do sử dụng đôi tay quá mức. Việc ngồi một chỗ khi chơi cũng làm tăng nguy cơ mắc phải các vấn đề về xương khớp như đau lưng, đau cổ, đau đầu. Mặc dù trò chơi điện tử mang lại niềm vui thích cho trẻ và đem lại một số lợi ích nhất định, nhưng cha mẹ nên luôn tâm niệm rằng sự điều độ sẽ là chìa khóa để giảm thiểu các vấn đề sức khỏe cho con em mình
Chơi game vui nhưng cũng cần lưu ý sức khỏe |
Trò chơi điện tử tác động đến sức khỏe như thế nào?
Những tổn thương do sử dụng đôi tay quá mức
Những tổn thương này phát sinh khi trẻ lặp đi lặp lại động tác ấn ngón tay vào bàn phím hoặc nút điều khiển. Tổn thương như thế nào sẽ tùy thuộc vào từng trò chơi, ví dụ như trò chơi đòi hỏi người chơi phải ấn nút điều khiển bằng ngón cái sẽ gây nguy cơ tổn thương gân duỗi ngón cái. Một số biện pháp để hạn chế những tổn thương này là:
- Giới hạn quỹ thời gian chơi hợp lý
- Chọn bộ điều khiển phù hợp với kích cỡ đôi tay trẻ
- Dặn trẻ nên có những khoảng “thư giãn giữa giờ” để cho các ngón tay được nghỉ ngơi
- Những trò chơi khác nhau sẽ có những phương tiện điều khiển khác nhau như bàn phím, chuột, cần điều khiển, bánh lái. Bạn hãy khuyến khích trẻ chơi xen kẽ các trò chơi khác nhau
Béo phì
Có một mối liên hệ mật thiết giữa việc chơi trò chơi điện tử và nguy cơ béo phì. Càng bỏ nhiều thời gian bên máy vi tính, nguy cơ béo phì càng tăng thêm. Một số lời khuyên có thể làm giảm nguy cơ béo phì ở trẻ là:
- Giới hạn quỹ thời gian chơi hợp lý
- Hướng trẻ vào một số thú vui khác như tập luyện thể thao và một số hoạt động thể lực
- Kết hợp chặt chẽ các hoạt động thể lực với những chuyến du ngoạn của gia đình. Ví dụ như chơi bóng, đạp xe đạp
- Cha mẹ nên làm gương cho con bằng cách năng vận động và tự hạn chế thời gian ngồi trước màn hình máy vi tính
Các vấn đề về xương, khớp
Chơi trò chơi điện tử một thời gian dài sẽ nảy sinh một số vấn đề về xương, khớp gây đau vai, đau cổ và đau đầu. Biện pháp giảm thiểu tình trạng này mà bạn có thể áp dụng là:
- Giới hạn quỹ thời gian chơi hợp lý
- Khuyên trẻ nên nghỉ giải lao giữa các màn chơi và đi ra ngoài một lúc để thư giãn
- Sắp xếp lại các thiết bị cho phù hợp với kích thước của trẻ. Ví dụ như điều chỉnh ghế ngồi sao cho các ngón chân của trẻ có thể tiếp xúc trực tiếp với mặt sàn
- Tập cho trẻ thói quen tập thể dục mỗi ngày
Ảnh hưởng đến mắt
Chơi trò chơi điện tử quá lâu sẽ gây mỏi mắt do mắt phải điều tiết nhiều. Khi mỏi mắt trẻ sẽ có cảm giác nhìn mờ và nhức đầu, để phòng tránh bạn nên:
- Điều chỉnh màn hình đạt được độ tương phản và độ sáng hợp lý
- Sắp xếp vị trí ngồi sao cho ánh sáng không chiếu trực tiếp vào mặt trẻ cũng như không chiếu trực tiếp vào màn hình
- Nên đi đo kiểm tra thị lực khi trẻ thường xuyên có biểu hiện nhìn mờ và đau đầu
Không thể phủ nhận một số lợi ích mà trò chơi điện tử mang lại cho trẻ em như vui nhộn, rèn luyện kỹ năng đọc hình ảnh, khả năng nhận thức về không gian, kỹ năng phản ứng nhạy bén nhưng bên cạnh đó cũng nên lưu ý giữ gìn sức khỏe bằng cách sắp xếp thời gian chơi hợp lý, điều độ - thường không quá 2 giờ mỗi ngày, không nên chơi liên tục mà nên có những khoảng nghỉ ngơi và nên tăng cường các hoạt động thể lực.