Vừa qua, Khoa Nhi Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng tiếp nhận một bệnh nhân (BN) 13 tuổi ở Bình Yên, Hải Châu, thành phố Đà Nẵng nhập viện vì bị sốc phản vệ (SPV) không hồi phục và đã tử vong. BN sau khi ăn mít trộn, có triệu chứng đau đầu, đầy bụng, khó tiêu... Người mẹ tự mua thuốc ở hiệu thuốc gần nhà và cho con uống 2 viên thuốc alka seltzer (loại viên thuốc sủi bọt chống đầy hơi, đau vùng thường vị ...) và paracetamol-codein (thuốc hạ sốt, giảm đau ...). Sau khi uống thuốc, BN lên cơn đau bụng dữ dội, người nổi mẫn đỏ, khó thở ... và được gia đình đưa đi bệnh viện để cấp cứu nhưng không thoát khỏi tử thần. Vì vậy, mọi người cần cảnh báo tử vong vì SPV do tự dùng thuốc.
Tự ý dùng thuốc sẽ làm tăng nguy cơ dị ứng thuốc. Ảnh: corbis |
SPV là gì ?
SPV còn gọi là sốc quá mẫn (anaphylactic shock), đây là một thể đặc biệt của tình trạng dị ứng thuốc. SPV thường xảy ra phần lớn do dùng thuốc tiêm. Nó xảy ra tức thì, thường trong hoặc ngay sau khi tiêm thuốc và là một loại tai biến nghiêm trọng nhất, có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của BN. Các chất hoạt mạch, đặc biệt là loại histamin được giải phóng nhiều, chủ yếu từ bạch cầu đa nhân ái kiềm, làm giãn các tiểu động mạch, mao mạch, làm tăng tính thấm thành mạch dẫn đến giảm đột ngột thể tích máu tuần hoàn, làm co thắt khí phế quản gây khó thở, tăng tiết các tuyến...
Nhiều loại thuốc có thể gây nên SPV như kháng sinh, vaccine và huyết thanh, một số vitamin tiêm tĩnh mạch, thuốc tê, thuốc chống viêm không steroid ... Phản ứng thường xảy ra sau khi tiêm tĩnh mạch nhưng cũng có thể xảy ra khi dùng thuốc theo các đường khác như : tiêm bắp thịt, uống, nhỏ mắt, bôi ngoài da ...
SPV biểu hiện triệu chứng như thế nào?
Triệu chứng lâm sàng thường xảy ra khi BN đang tiêm thuốc hoặc sau khi tiêm thuốc, uống thuốc, nhỏ thuốc, bôi thuốc... BN thấy choáng váng, nôn nao khó chịu, da nhợt nhạt, mạch nhanh, huyết áp giảm. Nếu nặng hơn nữa thì thấy xuất hiện triệu chứng vã mồ hôi, co thắt thanh quản, khó thở, mạch nhanh, nhỏ, khó bắt, huyết áp tụt xuống thấp rồi mất, BN nhanh chóng mất tri giác, có thể có co giật toàn thân. Ở thể nặng, tử vong có thể xảy ra ngay nếu không được cấp cứu kịp thời. Trong phần lớn các trường hợp SPV xảy ra, sự tổn thương đường hô hấp là nghiêm trọng nhất, khí phế quản bị co thắt, phù nề, tắc nghẽn đường hô hấp do các chất tiết. Nếu thoát được qua cơn nguy kịch, BN có thể trở lại trạng thái bình thường và không để lại di chứng.
Có một số loại thuốc hay một số chất cũng gây nên các triệu chứng lâm sàng của SPV nhưng không do nguyên nhân miễn dịch - dị ứng. Đó là các phản ứng dạng phản vệ do các chất đó vào trong cơ thể trực tiếp làm giải phóng đột ngột histamin như: các chất cản quang trong chụp X-quang, chất curare và những thuốc gây mê.
Xử trí cấp cứu khi bị SPV
Đứng trước BN bị SPV do dùng thuốc nhất là thuốc tiêm, phải cấp cứu thật nhanh lúc tai biến xảy ra vì BN có thể tử vong sau 2- 3 phút. Cho BN nằm đầu thấp, nghiêng về một bên, hai chân hơi cao, đặt garô phía trên nơi tiêm thuốc (nếu dùng thuốc tiêm). Tùy theo tình hình, sử dụng thuốc adrenalin dung dịch 0,1%, 1mg tiêm khẩn cấp vì thuốc có khả năng vận mạch nhanh chóng và ức chế giải phóng histamin. Nếu BN có cảm giác choáng váng, nôn nao khó chịu, huyết áp giảm, tiêm dưới da sâu 0,3-0,5mg; theo dõi cứ 15-20 phút tiêm dưới da lại một lần cho đến khi BN thoát khỏi tình trạng sốc, huyết áp trở lại bình thường. Đối với các trường hợp nặng: mạch nhanh, nhỏ, khó bắt, mất huyết áp, mất tri giác thì tiêm dưới da sâu 1mg rồi dung bơm tiêm đó lấy máu tĩnh mạch tráng bơm tiêm và tiêm lại vào trong tĩnh mạch. Nếu BN được đặt ống nội khí quản, có thể nhỏ vài giọt dung dịch adrenalin (pha 3mg trong 10ml nước muối sinh lý) qua ống vào phổi. Nếu không có adrenalin có thể dùng dopamin liều cao để đưa huyết áp lên. Ngoài ra, cần tiến hành các biện pháp hồi sinh tổng hợp; nếu có ngừng tim, ngừng thở phải xoa bóp tim ngoài lồng ngực, thổi ngạt hoặc bóp bóng hơi hỗ trợ hô hấp. Có thể sử dụng thuốc nhóm corticoid hỗ trợ thêm cho tác dụng của adrenalin. Nếu có khó thở thì cho thở oxy, bóp bóng hơi hỗ trợ hô hấp, dùng aminophylin tiêm tĩnh mạch... Nếu cần thì đặt nội khí quản và làm hô hấp hỗ trợ, dùng thuốc trợ tim mạch, cân bằng nước và điện giải... Nên nhớ rằng, xử trí SPV là một biện pháp cần tiến hành khẩn cấp, nhanh, nhạy, kịp thời ... mới có hy vọng đưa BN ra khỏi tình trạng nguy kịch để không bị tử vong. Dự phòng SPV do thuốc Phải bắt đầu từ việc dự phòng dị ứng thuốc. Cần xác định loại thuốc có khả năng gây dị ứng cho BN dù các biểu hiện lâm sàng chỉ xảy ra nhẹ để phòng tránh không dùng cho những lần sau. Thầy thuốc nên ghi đặc điểm dị ứng thuốc vào sổ y bạ và phải có ý thức hỏi kỹ BN về tiền sử dị ứng thuốc khi ghi đơn thuốc phòng bệnh, điều trị cho BN. Có nhiều cách giải mẫn cảm đối với các dị nguyên nhưng khó thực hiện đối với các trường hợp dị ứng thuốc, nhất là gặp phải thuốc giả, thuốc kém phẩm chất, thuốc không bảo đảm chất lượng ... Vì vậy, mọi người không nên tự ý mua và sử dụng thuốc để phòng bệnh, điều trị bệnh nếu không có ý kiến chỉ định của thầy thuốc, dù đó chỉ là những loại thuốc thông thường để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra có thể gây thiệt mạng.