Một số bà mẹ rất sợ gió thổi vào phòng ngủ của bé mới sinh dưới hai tháng tuổi vì cho rằng bé sẽ ngộp thở hoặc trúng gió. Vì vậy nhiều bà mẹ cho con nằm trong buồng thật kín gió, tối om om, không có một chút gió hay ánh sáng nào lọt vào.
Một số người mẹ còn không dám tắm cho bé mà chỉ lau mình mỗi ngày sợ bé bị trúng nước! Không dám ra nắng vì sợ trúng nắng...
Trẻ sơ sinh sẽ hạ nhiệt độ cơ thể khi môi trường xung quanh quá lạnh mà bé không được giữ ấm. Tuy nhiên không nên sợ bé nhiễm lạnh mà kiêng gió, kiêng nước hay kiêng ánh sáng cho trẻ, ngược lại trẻ rất cần một môi trường sống thông thoáng, sạch sẽ và đầy đủ ánh sáng. Sợ bé bị nhiễm lạnh thì chỉ cần cho bé mặc quần áo đủ ấm, mang vớ, đội nón, bú sữa mẹ, cho nằm cạnh mẹ để sưởi ấm bằng chính tình yêu và thân nhiệt của mẹ, không để tã ướt bằng cách thay tã ngay khi trẻ đi tiêu tiểu. Tắm rửa mỗi ngày để giúp da trẻ sạch sẽ, các tuyến mồ hôi dễ dàng hoạt động để tham gia quá trình điều chỉnh thân nhiệt.
Khi phòng ngủ của bé sơ sinh được thông thoáng thì trẻ sẽ dễ thở hơn, chứ không phải làm trẻ ngộp thở như quan niệm xưa. Lý do đơn giản là khi thở trẻ sẽ thải ra nhiều thán khí (CO2), thán khí này sẽ không phân tán ra xung quanh nếu trong phòng không khí không lưu thông được, thán khí sẽ tập trung nhiều quanh miệng và mũi của bé làm bé thừa thán khí, thiếu dưỡng khí (O2), hậu quả nghiêm trọng nhất là gây nên hội chứng đột tử khi ngủ ở trẻ sơ sinh. Đây là hội chứng chết bất ngờ ở trẻ sơ sinh khỏe mạnh trong lúc ngủ mà một trong những nguyên nhân có thể do thiếu thông khí. Một nghiên cứu ở nước ngoài cho thấy nếu trẻ nằm trong phòng ngủ có sử dụng một chiếc quạt máy hoặc mở cửa sổ thì giảm được 27% nguy cơ đột tử khi ngủ.
Như vậy khi chúng ta giữ ấm cho trẻ để ngăn ngừa việc hạ thân nhiệt là tốt, nhưng đồng thời cũng chú ý tạo môi trường thoáng mát, không khí lưu thông, đầy đủ ánh sáng, tức là không kiêng gió, kiêng nước, kiêng ánh sáng sẽ giúp trẻ phát triển khỏe mạnh, mau lớn. Ánh sáng mặt trời giúp trẻ cứng xương, dễ ngủ, bú không ọc sữa, hết vặn mình.
Khi mở cửa sổ của phòng sơ sinh, bà mẹ cũng không nên cho trẻ nằm nơi có gió lùa, tức là phải tránh luồng gió lùa trực tiếp qua cơ thể trẻ, nên nằm xê dịch qua một bên cửa sổ. Khi trời lạnh hoặc có gió to thì đóng bớt cửa sổ để đề phòng trẻ nhiễm lạnh hoặc khô nước do nước mau bốc hơi khi có gió nhiều.
Nếu sử dụng quạt máy trong phòng của trẻ nên đặt chế độ quạt xoay chứ không để quạt về một hướng cố định, nhằm tránh luồng gió trực tiếp thổi qua cơ thể trẻ.