Ở đây xin chỉ nói đến trẻ sinh thường, đủ tháng tức là trẻ ở trong bụng mẹ từ khoảng 39-42 tuần kể từ ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt cuối cùng. Trẻ mới sinh có một số đặc điểm chung như sau :
1. Cân nặng và chiều cao:
Trẻ sinh thường, đủ tháng thường có cân nặng trong khoảng 2500 gr đến 3500 gr. Chiều cao của bé khoảng 45-48 cm.
2. Đầu:
Khi mới sinh, đầu bé thường to, thường thì tỷ lệ giữa đầu và người của bé cao gấp đôi tỷ lệ này ở người lớn. Có những trẻ có bộ tóc dày, nhưng có những trẻ chưa có tóc hoặc tóc rất thưa. Một số trẻ có thể bị biến dạng đầu một chút, hoặc có thể có một bướu trên đầu. Bạn đừng lo ngại, những sự biến dạng này sẽ hết dần sau vài ngày.
3. Hình dạng:
Thường thì xương hàm dưới của bé sơ sinh thường ngắn, cổ nhỏ yếu, vai hẹp, bụng phồng, chân tay ngắn, xương mềm làm cho nó còn giống một cái bào thai hơn là một đứa trẻ.
4. Da:
Da trẻ sơ sinh thường hơi nhăn nheo và đỏ, có thể còn chút chất nhầy bám lại nên trông không được mịn màng. Trên da của bé có thể có một số nốt đỏ, dân gian thường gọi là kê, những nốt này sẽ mất màu khi ấn vào và sẽ dần về sau này. Theo kinh nghiệm đông y, có thể dùng hạt kê hoặc hạt mùi già để đun nước tắm cho bé vừa giúp cho bé đỡ ngứa ngáy, vừa giúp kê mau lặn hơn . Trên má và mũi Bé có thể có những đốm nhỏ màu trắng. Những đốm nhỏ này cũng mất dần sau vài tuần tuổi. Bạn cũng có thể thấy bé nhà bạn có một lớp lông tơ mọc khắp người, lớp lông tơ này cũng sẽ rụng dần theo thời gian. Một số trẻ có thêm một vết màu xanh xám (dân gian còn gọi là vết chàm) ở vùng dưới của lưng hoặc ở mông. Đây cũng là hiện tuợng bình thường, sẽ mờ dần sau vài năm.
5. Các móng tay, chân của bé:
Móng tay, chân của bé đều dài nhưng bạn không nên cắt cho bé ngay vì da của bé rất non, bạn dễ làm tổn thương da bé khi cắt, tốt nhất là nên đợi tới khi bé ngoài một tháng thì hãy cắt móng tay mong chân cho bé.
6. Vú và bộ phận sinh dục:
Hai vú của bé sơ sinh đều hơi phồng lên và có thể tiết ra vài giọt sữa.
Tại bộ phận sinh dục của bé gái có thể có chảy ra một ít chất nhầy hoặc máu. Cả hai hiện tượng này đều liên quan đến việc một số hoóc môn của mẹ truyền qua cho bé trong quá trình bé ở trong bụng mẹ, sẽ tự hết trong một thời gian ngắn sau đó.
Với bé trai, hai bên bìu có thể chứa một ít dịch gây căng to ra nhưng đó cũng là hiện tượng bình thường, sẽ hết trong vòng vài tuần sau đó.
7. Phân su và phân bình thường:
Phân su là chất thải có trong ruột bé từ khi còn nằm trong bụng mẹ, màu xám hoặc hơi đen. Bé thường ị ra phân su trong khoảng ba- bốn ngày đầu, sau đó phân su sẽ được thay thế bằng phân bình thường có màu vàng nhạt hoặc hơi sẫm, bé bú mẹ hoàn toàn thì thường đi phân có mùi chua nhẹ, pha lẫn tý nước, dân gian thường gọi là phân hoa cà hoa cải.
8. Sức đề kháng :
Bé sơ sinh thường được thừa hưởng một số kháng thể có sẵn trong hệ miễn dịch của mẹ và sau đó nếu bé bú mẹ, bé sẽ tiếp tục nhận được miễn dịch của mẹ có trong sữa. Tuy nhiên, lượng miễn dịch này sẽ giảm dần bắt đầu từ khi bé được 6 tháng tuổi và mất hẳn khi bé đượ 12-18 tháng tuổi.
9. Cuống rốn:
Cuống rốn thường rụng trong khoảng từ ngày thứ 8 tới ngày thứ 10 sau sinh.
10. Bé khóc không có nước mắt:
Trong ba ngày đầu điều này cũng là chuyện bình thường vì khi đó, các ống dẫn nước mắt của bé chưa mở ra. Nếu hiện tượng này kéo dài thì nên cho bé đi khám bác sĩ ngay.
11. Bé hay bị nấc:
Đây cũng là hiện tượng bình thường do bé bị nuốt nhiều hơi trong lúc bú. Để giảm bớt hiện tượng này, nếu bé bú mẹ thì nên chỉnh đúng tư thế và cố gắng sao cho bé ngậm hết phần quầng vú mẹ. Nếu bé bú bình thì bạn nên chỉnh tư thế bú của bé và làm sao để mồm bé ngậm kín hết đầu núm vú. Một số loại bình chống nuốt hơi cũng có tác dụng hạn chế việc này.
12. Bé toát nhiều mồ hôi:
Bé có thể mướt mát mồ hôi sau một cữ bú. Chuyện này cũng là bình thường vì bé phải cố gắng rất nhiều khi bú, hơn nữa việc uống cùng một lúc một lượng chất lỏng ấm như vậy cũng khiến bé đổ nhiều mồ hôi. Bạn chỉ cần lau khô người hoặc nếu cần thì thay áo lót mình cho bé là đủ.
13. Bé có thể bị run tay chân hoặc môi nhẹ sau mỗi lần cố gắng:
Nếu hiện tuợng này chỉ thoáng qua sau mỗi lần bú, tắm hoặc thay rửa thì bạn đừng lo gì, đó là do hệ thống thần kinh của bé chưa thành thục đó thôi.
15. Lưỡi bé hay bị trắng:
Nếu đã loại trừ được nguyên nhân do tưa miệng thì lưỡi bé bị trắng là do bé chưa sản xuất được đủ lượng nước bọt để có thể làm sạch lưỡi đấy thôi. Phải đến ba tháng tuổi trở đi các tuyến nước bọt của bé mới vận hành bình thường.