Alzheimer là một bệnh lý thường gặp ở lứa tuổi trên 65 tuổi và tiến triển ngày càng nặng. Tuổi càng cao, tỉ lệ mắc bệnh càng cao. Ở lứa tuổi từ 65 -69 tỉ lệ mắc khoảng 0,5%, tuổitừ 75 – 79 là 2% , từ 80 -84 tuổi là 3% và có đến trên 8% đối với tuổi trên 85.
Bệnh Alzheimer được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1907 bởi Alois Alzheimer. Ông đã mô tả một người phụ nữ có một sự sa sút trí tuệ tiến triển trong thời gian 4 năm, và từ đó bệnh lý sa sút trí tuệ này đã được mang tên ông.
Nguyên nhân do đâu?
Căn nguyên của bệnh đã được nghiên cứu nhiều nhưng đến bây giờ vẫn có nhiều giả thiết khác nhau. Người ta thấy rằng bệnh lý Alzheimer có tính chất gia đình một cách rõ ràng, khoảng 40% bệnh nhân Alzheimer có tiền sử trong gia đình có người bị bệnh. Trong các trường hợp sinh đôi, những người sinh đôi cùng trứng có tỉ lệ bị bệnh cao hơn là những người sinh đôi khác trứng với tỉ lệ là 43% so với 8%. Các nhà khoa học còn xác nhận sự di truyền bệnh thông qua nhiễm sắc thể 1, 14 và 21. Có một sự chuyển hóa bất thường của một loại protein amyloid và người ta thấy có sự thoái hóa của những đám protein amyloid ở não của người già. Một giả thiết được nhiều người quan tâm hơn và là cơ sở để điều trị bệnh này là có sự biến đổi các chất dẫn truyền thần kinh trong não. Có sự giảm đi của các neuron thần kinh của hệ cholinergic, giảm đi của acetylcholine do có sự giảm đi của men choline acetyltransferase là một emzym chủ yếu tham gia vào quá trình tổng hợp acetylcholine
Biểu hiện như thế nào?
Khi mới phát bệnh những biểu hiện của người bệnh thường rất kín đáo, có thể chỉ là những phàn nàn về sự thay đổi tính cách thường ngày của người bệnh như: cảm thấy sự nhanh nhẹn bị giảm đi, người bệnh hay quên hơn, những biểu hiện né tránh của người bệnh, sự từ chối hoặc sự hợp lý hóa một vấn đề gì đó được xem như là một sự suy giảm nhận thức của người bệnh. Đôi khi người bệnh thể hiện bằng một sự ngăn nắp, cẩn thận một cách khác thường, các mối quan hệ xã hội thu hẹp, nhưng có khi là sự tức giận một cách bất ngờ. Bệnh nhân có thể có những biểu hiện cảm xúc trái ngược nhau, những câu đùa cợt rất ngớ ngẩn, có một sự vô cảm, không thể hiện một chút cảm xúc gì ở trên khuân mặt của họ...
Một biểu hiện nổi bật của bệnh nhân Alzheimer là sự suy giảm về trí nhớ. Ở giai đoạn đầu người bệnh có thể quên những sự kiện mới xảy ra trong ngày. Ví dụ như họ quên số điện thoại, quên những cuộc trò chuyện và những sự kiện xảy ra trong ngày. Người bệnh có thể quên những vật dụng như chìa khóa, ví, họ không biết là mình đã để những đồ này ở đâu, họ cũng có thể quên thức ăn đã nấu trong tủ lạnh và thậm chí có thể để rất lâu mà không nhớ ra.
Trong quá trình tiến triển của bệnh sự suy giảm về trí nhớ ngày càng tăng và người bệnh quên cả những thông tin về bản thân họ : như sinh ra ở đâu, ngày tháng năm sinh của... Họ có thể quên đường đi từ phòng của mình đến nhà vệ sinh, bệnh nhân không nhớ đường về nhà mình và có thể bị lạc.
Khả năng về ngôn ngữ của người bệnh cũng bị thay đổi một cách nghiêm trọng. Những từ họ sử dụng có tính chất không rõ ràng, mơ hồ, mập mờ có tính chất lặp đi lặp lại, họ có thể gặp khó khăn trong cách gọi tên các đồ vật.
Ngoài những biểu hiện chính như trên, người bệnh còn có thể gặp các biểu hiện như là có một sự thay đổi về tính cách, họ sống thu hẹp hơn, ít quan tâm đến người khác, họ có thể có hoang tưởng, ảo giác với một tỉ lệ khoảng từ 20% đến 40%, và thường có thái độ thù địch với những thành viên trong gia đình và những người chăm sóc. Về mặt cảm xúc thì những người này còn có thể có biểu hiện trầm cảm hoặc có những lúc cảm xúc không ổn định như là lúc khóc, lúc cười.
Việc điều trị căn nguyên gây ra bệnh Alzheimer rất khó và hiện nay vẫn tập trung vào điều trị triệu chứng là chính. Khi bạn thấy một người nào đó trong gia đình mình ở lứa tuổi từ 40 trở nên có những biểu hiện hay quên thì hãy thận trọng và khuyên họ nên đi khám bác sỹ chuyên khoa tâm thần càng sớm càng tốt và bác sỹ có thể giúp bạn theo dõi, phát hiện sớm bệnh, ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh.