Khoa Cấp cứu Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 TP.HCM thường tiếp nhận nhiều trẻ bị sốc phản vệ do thức ăn nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng. Hầu hết những trẻ này chỉ ăn những loại thức ăn bình thường hằng ngày nhưng do cơ địa dị ứng nên gây ra tình trạng sốc phản vệ.
Chuẩn bị truyền dịch cho trẻ bị sốc phản vệ do thức ăn tại Bệnh viện Nhi TW. Ảnh: Thái Hà |
Dị ứng thức ăn là bệnh lý phổ biến ở trẻ em, xuất hiện sớm trong năm đầu đời (80%). Khoảng 6 - 8% số trẻ em dưới 3 tuổi có ít nhất một lần bị dị ứng với thức ăn. Những thức ăn thường gây dị ứng ở trẻ em là: sữa bò, trứng và các loại đậu. Các nguyên nhân khác ít gặp hơn là các loại hải sản (tôm, cua, cá biển, sò, mực...). Một số chất phụ gia hoặc phẩm màu như: hàn the, bột ngọt, cũng có thể gây dị ứng cho trẻ. Những trẻ bị dị ứng thức ăn phải nhập viện thường từ 6 - 7 tuổi, ở trẻ trai gặp nhiều hơn trẻ gái với tỉ lệ gấp đôi. Các loại thức ăn thường gây dị ứng nặng ở trẻ em phải nhập viện là cá biển, tôm, trứng, mắm ruốc.
Sau khi ăn các loại thức ăn trên từ 30 phút đến vài giờ, trẻ có các triệu chứng như: nổi mẩn đỏ, đỏ da, mề đay cấp, ngứa khắp người, mắt sung huyết đỏ, sưng phù môi, mắt. Những biểu hiện đầu tiên thường là chảy mũi, nổi ban, cảm giác ngứa ở miệng. Ngoài ra, trẻ còn có thể có các biểu hiện: khàn tiếng, hắt hơi, ho, khò khè, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy. Những trường hợp nặng chiếm đến biểu hiện khó thở, thở rít, sốc phản vệ với các triệu chứng mệt, trụy mạch, tụt huyết áp. Có khi chỉ đơn thuần có triệu chứng ở đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn, đau quặn bụng, tiêu chảy. Tùy từng cơ địa mà dị ứng thức ăn có thể biểu hiện nhẹ hoặc trầm trọng. Các triệu chứng thường xảy ra một vài phút đến vài giờ sau khi trẻ ăn phải thức ăn gây dị ứng. Trong một số trường hợp hiếm, trẻ có thể rơi vào tình trạng sốc phản vệ rất nguy hiểm.
Sốc phản vệ thường xảy ra nhanh sau khi trẻ tiếp xúc với chất gây dị ứng, khi đó trẻ có biểu hiện tím tái, huyết áp tụt, trụy mạch, suy hô hấp và cần được cấp cứu ngay. Phản ứng dị ứng nặng gây sốc phản vệ nếu không được cấp cứu kịp thời có thể tử vong nhanh chóng.
Các bác sĩ khuyến cáo, cha mẹ biết con mình có cơ địa dị ứng cần lưu ý tránh những thức ăn mà trẻ bị dị ứng trước đây. Những trường hợp dị ứng nhẹ, việc giảm bớt, không ăn những thức ăn dị ứng là biện pháp tốt nhất ngăn chặn sự tái xuất hiện các triệu chứng dị ứng. Đối với những trẻ đã từng bị sốc phản vệ do thức ăn tuyệt đối không nên thử ăn lại các thức ăn đó. Nếu lo ngại việc loại trừ một số thức ăn khỏi chế độ ăn của trẻ có thể dẫn đến sự mất cân đối trong dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, các bà mẹ có thể hỏi ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa để xây dựng chế độ ăn thích hợp cho con mình.
Tình trạng dị ứng của trẻ thường mang tính di truyền, nghĩa là nếu trong gia đình, họ hàng có người từng bị dị ứng thì bé sẽ có nhiều nguy cơ bị dị ứng hơn. Không có phương pháp điều trị đặc hiệu cho tình trạng dị ứng. Một số trẻ có thể khỏi khi lớn lên, một số có thể bị suốt đời. Những trẻ được bú sữa mẹ ít có nguy cơ dị ứng thức ăn hơn so với những trẻ không được bú sữa mẹ. Do vậy, các bà mẹ cần chú ý cho con bú trong vòng ít nhất 6 tháng đầu đời, đặc biệt cần thiết trong trường hợp có bố hoặc mẹ có tiền sử về dị ứng, trong đó có viêm mũi dị ứng. Việc cho dần các loại thức ăn đặc vào khẩu phần ăn của trẻ trong quá trình ăn dặm sẽ giúp phát hiện thức ăn gây dị ứng. Tuy nhiên, có những trường hợp rất khó nhận biết đâu là tác nhân gây dị ứng, trong trường hợp này, bà mẹ phải ghi nhật ký thực đơn của bé để tìm ra tác nhân dị ứng thực sự. Đối với những thức ăn được chế biến sẵn, nên đọc kỹ thành phần trước khi cho trẻ ăn.