|
Trời lạnh, khô khiến trẻ dễ lên cơn hen. Ảnh: Hoàng Hà. |
Nhiệt độ giảm mạnh vài ngày nay ở miền Bắc khiến số trẻ nhập viện vì lên cơn hen tăng đột biến. Riêng Khoa Hô hấp Nhi, bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) sáng nay đón 57 cháu, thì có đến 50 cháu phải sử dụng thuốc hen, chạy khí dung.
Tuy trời lạnh đã làm giảm hẳn các ca viêm đường hô hấp do nhiễm trùng, nhưng lại làm tăng các yếu tố gây khởi phát cơn hen.
Bác sĩ Vũ Thị Thúy Lan, Trưởng khoa Hô hấp Nhi ở bệnh viện Xanh Pôn cho biết, thời tiết lạnh, khô hanh và đặc biệt sau đợt mưa lớn vừa qua khiến bụi nhiều là những nguyên nhân chính gây ra hen ở trẻ trong thời gian này. Ngoài ra là những nguyên nhân gây kích ứng đường hô hấp khác như các hóa chất thơm trong nhà, nấm mốc, phấn hoa, khói nhang, khói thuốc lá, bếp than... Cũng có nhiều trẻ bị hen sau một đợt nhiễm trùng do virus, chẳng hạn cúm (làm tổn thương cấu trúc niêm mạc phế quản).
Bác sĩ Lan cũng cho biết tuy bệnh viện chưa có thống kê cụ thể, nhưng số ca hen nhập viện đã tăng liên tục trong những năm gần đây. Một điều đáng chú ý nữa là trước kia trong các sách chỉ ghi nhận trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên mới có thể chắc chắn là bị hen, thì nay đã có nhiều trẻ mắc bệnh từ khi chưa đầy một tuổi.
Trẻ bị hen có biểu hiện là những cơn ho, thở rít, thở khò khè (trẻ bé) hoặc nặng ngực (ở trẻ lớn) và các triệu chứng này có tính chất lặp đi lặp lại.
Khi trẻ bị hen, cha mẹ nên đưa trẻ đến các trung tâm chuyên khoa về hen để được điều trị. Ngoài thuốc cắt cơn hen cấp, trẻ phải được tư vấn để tránh bệnh trở nặng, dai dẳng và bùng phát các cơn cấp liên tục. Không nên dùng kháng sinh khi trẻ lên cơn hen thông thường, mà chỉ dùng trong trường hợp có ổ nhiễm trùng kèm theo, chẳng hạn hen kèm với viêm tiết niệu, viêm amidan... vì thuốc kháng sinh cũng có thể khiến trẻ dị ứng.
Hen là bệnh mãn tính, đã mắc rồi thì chỉ có thể dùng thuốc kiểm soát chứ không chữa khỏi hoàn toàn được. Chính vì thế, theo bác sĩ Lan, quan trọng nhất đối với điều trị bệnh này là phòng ngừa. Tại Xanh Pôn, các trẻ mắc hen khi ra viện sẽ được tư vấn phòng bệnh. Hiện tại ngoài Xanh Pôn, ở Hà Nội còn có một số nơi khác cũng có tư vấn hen, là Hội hen, dị ứng miễn dịch lâm sàng Việt Nam (cho người lớn), Bệnh viện Thanh Nhàn và Bệnh viện Lao và Phổi Hà Nội.
Ngoài hen, khoa Nhi Xanh Pôn những ngày này cũng tiếp nhận nhiều trẻ bị viêm phổi sau cúm, có cả những bé 2-3 tháng tuổi. Bác sĩ Lan cho biết các bé này đa phần lây cúm từ mẹ, và khi mắc thì thường bị nặng, biểu hiện là khó thở, bỏ bú, nôn trớ...
Đề phòng hen và các bệnh đường hô hấp nặng do cúm, bác sĩ khuyến cáo cha mẹ nên hết sức chú ý phòng lạnh cho trẻ, tiêm phòng cúm mỗi năm một lần, cho trẻ uống nhiều nước hoa quả, sữa và tăng cường dinh dưỡng khi trẻ ốm để tăng sức đề kháng. Đưa trẻ đi viện ngay nếu có biểu hiện bỏ bú (với trẻ đang bú) hoặc bỏ uống (với trẻ lớn), thở bất thường. Tránh để trẻ tiếp xúc với nhiều người và nên cách ly với những người đang có bệnh dễ lây.
Theo Thuận An VnExperss