Rau quả là những thực phẩm hết sức cần thiết đối với trẻ em ở tuổi đang lớn. Chúng có chứa một hàm lượng vitamin tương đối phong phú nhưng cung cấp ít calo, mỗi bữa ăn của bé nên bổ sung một lượng rau quả đều đặn, ngay cả khi các em bé không muốn ăn.
Trẻ ở tuổi từ 1 đến 3 mỗi ngày nên ăn hai bữa rau hoặc hoa quả, mỗi bữa khoảng từ 100 đến 150g. Hầu hết các loại hoa quả đều có giá trị dinh dưỡng tương đương và có thể thay thế bổ sung cho nhau.
Trong các loại rau và hoa quả, hàm lượng nước chiếm tỷ lệ rất cao, tới 90% trọng lượng của chúng. Thế nhưng năng lượng cung cấp cho cơ thể lại khá thấp, ngoại trừ một số loại hoa quả. Ngược lại, hàm lượng vitamin, nhất là vitamin C và carotin (tiền chất vitamin A) trong các loại rau xanh, đỏ hoặc trái cây có màu cam lại rất phong phú. Ngoài ra, rau quả cũng là nguồn cung cấp xenlulo, pectin chủ yếu cho cơ thể.
Hàm lượng đường trong một số loại hoa quả
Tỷ lệ đường trong 100 gam rau quả |
Chuối, nho, anh đào: 20 % | Lê, mận, đậu Hà Lan, táo, dứa: 14 % |
Cam, chanh, dâu tây: 10% | Càrốt, hành, tỏi, đậu : 10 % |
Bí, dưa hấu, bắp cải, cà chua, một số loại gia vị: 6% | Dưa chuột, rau diếp: 2 % |
Giá trị dinh dưỡng của rau phụ thuộc nhiều vào rau sống hoặc được nấu chín. Rau sống chứa nhiều nước, vitamin và chất khoáng. Trong khi đó, rau quả nấu chín bị mất nhiều chất quan trọng, nhất là nước, các loại vitamin hoà tan, trong đó có vitamin B1, C, carotin, đường và nhiều muối khoáng (khoảng 30%). Tuy nhiên, trong rau quả nấu chín, các chất xơ cũng chuyển hoá và giải phóng ra nhiều chất dinh dưỡng khác, đồng thời làm mềm món ăn, tạo điều kiện cho tiêu hoá dễ dàng hơn. Lượng calo cung cấp cho cơ thể cũng không thay đổi nhiều so với rau quả sống.
Các loại vitamin trong hoa quả và rau chủ yếu nằm trong lớp vỏ và rất nhạy cảm, dễ bị phá huỷ trong môi trường không khí, ánh sáng và nhiệt độ cao. Vì thế, đối với các loại rau quả sạch, không nên ngâm quá lâu trong nước và cũng chỉ gọt bớt một lớp vỏ rất mỏng, để không làm mất đi lượng vitamin cần thiết. Sử dụng nồi áp suất để nấu rau là giải pháp tốt nhất để giữ nguyên hàm lượng vitamin, nhưng cách này không phải lúc nào cũng phù hợp. Khi nấu nướng, các bà nội trợ có thể cho một hai giọt dấm hoặc chanh. Đối với rau quả sống, cũng nên vắt một ít chanh vào sau khi gọt vỏ hoặc thái. Đó là là cách đơn giản để bảo quản hàm lượng vitamin.
Đối với những em bé không thích rau, cũng như ghét thịt và các loại thực phẩm khác, điều quan trọng là không nên bắt chúng hàng ngày phải ăn mãi một món ăn nhàm chán. Nhiều mẹo vặt có thể sử dụng để kích thích cảm giác của các em bé: ăn cơm với cà chua sốt, bí đỏ, bí bao tử xào, cơm rang, các loại canh được chế biến và nêm gia vị để tạo hương vị khác nhau....Một chế độ dinh dưỡng đa dạng về chủng loại thực vật nhưng không nhất thiết là phải được nấu chín. Trẻ thường thích ăn các món mứt, cơm và khoai tây, đặc biệt là các loại rau sống. Do vậy, cần rửa kỹ và xử lý rau trong các dung dịch làm sạch thực phẩm được Bộ y tế cho phép trước khi cho trẻ ăn. Tuy nhiên, không nên chiều theo mọi đòi hỏi của trẻ, nhưng các bà mẹ cũng không nên ép trẻ ăn hàng ngày món hầm thập cẩm, vì cho rằng điều đó giúp đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ. Sự đa dạng dinh dưỡng dựa trên nhu cầu của trẻ luôn là điều cần được các bà mẹ lưu tâm.
Nguồn: Mẹ & Bé