Khu vực tiếp giáp giữa cột sống ngực (là đoạn cột sống “cố định”) và cột sống thắt lưng (là đoạn cột sống “di động”) được gọi là cột sống lưng – thắt lưng. Khu vực này kéo dài từ đốt sống ngực 11 đến hết đốt sống thắt lưng 2.
Ngoài đặc điểm là khu vực tiếp giáp giữa đoạn cột sống “cố định” với đoạn cột sống “di động”, khu vực này còn có một đặc điểm giải phẫu khác biệt so với các vùng khác là ở khu vực này có đoạn cuối của tủy sống, gọi là phình thắt lưng và chóp tủy. Ở đoạn này tủy phình to rồi thon lại và kết thúc thành một chóp nhọn gọi là chóp tủy. Chóp tủy thường nằm ở vị trí giữa đốt sống thắt lưng 1 và đốt sống thắt lưng 2. Trong khu vực phình thắt lưng và chóp tủy có nhiều trung tâm thần kinh quan trọng chỉ huy toàn bộ hoạt dống của hai chân và hoạt động niệu sinh dục.
Đoạn lưng – thắt lưng là đoạn cột sống hay bị chấn thương nhất. Khi bị chấn thương ở vùng này, các đốt sống có thể bị gãy, các dây chằng hoặc đĩa đệm có thể bị rách, đứt, vỡ ra. Người ta chia các loại thương tổn của cột sống từ ngực trở xuống thành nhiều loại dựa trên lí thuyết về 3 cột vững của một tác giả người Mỹ. Ở đoạn này tỉ lệ gãy từ 2 cột trở lên rất cao, đồng nghĩa với việc cột sống bị mất vững một cách trầm trọng. Trong nhiều trường hợp, tủy bị thương tổn do các mảnh vỡ của xương, đĩa đệm, dây chằng hoặc bản thân các đốt sống di lệch chèn ép vào.
Giống như ở chấn thương cột sống cổ, việc cứu vãn các thương tổn của tủy thường phải tiến hành sớm và đúng cách. Đối với các trường hợp mất vững mà không có chèn ép tủy, việc bất động ngoài (dùng các thiết bị để bất động bên ngoài cơ thể mà không cần mổ) có nhiều khó khăn hơn so với vùng cổ vì đây là đoạn giao nhau giữa hai phần lớn nhất của thân thể và lại không có các mốc tự nhiên gần đó để cố định các nẹp ngoài. Do vậy, việc đặt vấn đề mổ bất động sớm là rất cần thiết đối với các trường hợp mất vững mà không có thương tổn thần kinh (gọi là mất vững cơ học).
Một khó khăn nữa là ở vùng này, khi mổ bất động vùng gãy của cột sống, các dụng cụ bất động vùng gãy (nẹp và vis) có tầm quan trọng đặc biệt. Do đây là vùng chịu sức nặng của cơ thể nên yêu cầu về mức độ vũng chắc rất cao. Việc ghép xương cũng phải tiấn hành đủ rộng để sau này khi xương liền lại cột sống có thể chịu được các hoạt động mạnh. Nẹp vis dùng ở khu vực này cũng phải có độ vững chắc cao để không bị gãy trước khi xương ghép lành. Và như vậy thì chi phí cho nẹp vis sẽ khá cao. Trong khoảng vài năm trở lại đây, vấn đề nẹp vis ở Việt nam không còn quá khó khăn như trước đây. Mặc dù thị trường về nẹp vis của chúng ta không lớn do sức mua kém nhưng vì tỉ lệ chấn thương cột sống của chúng ta không hề thua kém các nước khác nên tiềm năng của thị trường này là khá lớn và các hãng đã bắt đầu đưa các dụng cụ (nẹp vis) loại hiện đại vào nước ta. Tuy nhiên, có một đặc điểm khác biệt hẳn trong chấn thương cột sống lưng – thắt lưng giữa nước ta và các nước tiên tiến là tỉ lệ chấn thương do tai nạn lao động là cao nhất, tức là đa số người bệnh là công nhân xây dựng, bốc vác, thợ đào giếng… Những người mà mức lương không thể nào đủ trả cho 1 cây vis chứ chưa nói cả bộ nẹp vis. Nếu không có chính sách bảo hiểm y tế và bảo hiểm tai nạn hợp lí thì việc điều trị chấn thương cột sống lưng – thắt lưng vẫn mãi là một lĩnh vực khó khăn mà khó khăn đó không phải bắt nguồn từ ngành y tế.