Đái tháo đường là một hội chứng có đặc tính biểu hiện bằng tăng đường máu, do hậu quả của việc mất hoàn toàn Insulin hoặc là do có liên quan đến sự suy yếu trong bài tiết và hoạt động của Insulin.
Ở đây có hai điểm cần lưu ý:
Thứ nhất:
Đái tháo đường có thể là một bệnh, cũng có thể là một triệu chứng của một bệnh nội tiết khác. Trong trường hợp Đái tháo đường là một triệu chứng, khi chữa khỏi bệnh chính, Đái tháo đường sẽ khỏi hẳn. Ví dụ, triệu chứng tăng đường máu trong bệnh nhiễm độc giáp, hay trong hội chứng Cushing..v…v..
Thứ hai:
Đái tháo đường có nguyên nhân là thiếu Insulin, nhưng cũng có thể do nhiều nguyên nhân khác như khả năng hoạt động của Insulin bị suy giảm, tình trạng bệnh lý tại thụ thể - nơi tiếp nhận Glucose được Insulin hoạt hóa, hoặc bệnh lý bên trong tế bào, hoặc do sự kháng lại Insulin ở mô đích v.v. Trong những trường hợp này lượng Insulin lại không thiếu vì thế cách điều trị bệnh là khác nhau.
Theo tổ chức Y tế Thế giới WHO, thì Đái tháo đường “là một hội chứng có đặc tính biểu hiện bằng tăng glucose máu do hậu quả của việc thiếu hoặc mất hoàn toàn insulin hoặc do có liên quan đến suy yếu trong bài tiết và hoạt động của insulin”.
Ngày nay người ta cho rằng Đái tháo đường là một rối loạn của hệ thống nội tiết, bệnh có thuộc tính là tăng glucose máu. Mức độ tăng glucose máu phụ thuộc và sự mất toàn bộ hay một phần khả năng bài tiết hoặc khả năng hoạt động của insulin hoặc cả hai.
Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ đã đưa ra định nghĩa về Đái tháo đường: “Là một rối loạn mãn tính, có những thuộc tính sau: (1) tăng glucose máu; (2) kết hợp với những bất thường về chuyển hoá carbohydrat, lipid và protein; (3) bệnh luôn gắn liền với xu hướng phát triển các bệnh lý về thận, đáy mắt, thần kinh và các bệnh tim mạch khác”.
Tháng 1 năm 2003, các chuyên gia thuộc “Uỷ ban chuẩn đoán và phân loại Bệnh Đái tháo đường Hoa Kỳ”, lại đưa một định nghĩa mới về Đái tháo đường “là một nhóm các bệnh chuyển hoá có đặc điểm là tăng glucose máu, hậu quả của sự thiếu hụt bài tiết insulin; khiếm khuyết trong hoạt động của insulin; hoặc cả hai. Tăng glucose máu mạn tính thường kết hợp với sự huỷ hoại, sự rối loạn chức năng và sự suy yếu chức năng của nhiều cơ quan đặc biệt là mắt, thận, thần kinh, tim và mạch máu”.
Thuật ngữ Đái tháo đường liệu có còn đúng không?
Năm 1998 Tổ chức Y tế Thế giới đã chấp nhận đề nghị áp dụng tiêu chuẩn chẩn đoán mới của Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ kiến nghị năm 1997. Tài liệu mới này sau khi được nghiên cứu thận trọng đã chính thức phát hành năm 1999.
Với tiêu chuẩn chẩn đoán mới, người ta hy vọng bệnh sẽ được phát hiện sớm, can thiệp kịp thời để phòng chống các biến chứng của bệnh. Nhưng thực tế cho đến nay, ngay cả khi đã áp dụng tiêu chuẩn chẩn đoán mới, bệnh Đái tháo đường cũng chỉ được phát hiện bệnh sau khi mắc bệnh trung bình từ 5 đến 15 năm.
Người ta đã từng nhiều lần đặt câu hỏi: Liệu thuật ngữ Đái tháo đường có còn phù hợp nữa hay không? Khi mà trong thực tế người ta đã buộc phải can thiệp ngay từ khi chỉ có mức glucose trong máu cao và đường chưa có trong nước tiểu. Hơn thế, đứng về khía cạnh dự phòng thuật ngữ này không đáp ứng được những yêu cầu về mặt phát hiện sớm và can thiệp bệnh sớm?
Vì những lý do trên, nhiều ý kiến cho rằng nên gọi là bệnh tăng glucose máu hơn là sử dụng thuật ngữ Đái tháo đường như hiện nay.