Mua 318 viên thuốc trị giá 50.000 đồng, chị N hy vọng mình sẽ khỏi bệnh hen suyễn vì được nghe giới thiệu đây là phương thuốc gia truyền. Chị đâu ngờ chỉ trong tích tắc chị suýt gõ cửa thần chết.
Kinh hoàng những viên thuốc da cam
Chúng tôi gặp chị N khi chị xuất viện được một tháng. Hiện chị vẫn điều trị tại nhà của người bác ở đường Kim Đồng (phường Phương Mai, Hà Nội) bằng thuốc viên. Giai đoạn này chị đang hoàn tất thủ tục chuẩn bị trở lại Đài Loan lao động lần thứ hai.
Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về vụ ngộ độc của chị, chị nhiệt tình ra đón từ đầu ngõ. Gói thuốc uống dở, những viên thuốc nhỏ bằng hạt đỗ, màu cam, mùi hăng hắc, vẫn được gia đình cất giữ. Chị cho biết vẫn chưa hoàn hồn sau khi nhớ lại, trong vòng 7 ngày, chị đưa vào cơ thể 200 viên thuốc như thế.
Từ Đài Loan về nước trước Tết Nguyên đán khoảng một tháng, sức khỏe của chị hoàn toàn bình thường, trừ bệnh ho mắc phải từ lâu. Bố mẹ chị quanh năm quen với ruộng đồng.
Ông bà được một người quen giới thiệu cho một bà lang ở ngay cùng huyện Xuân Trường (Nam Định). Nghe đâu bà lang này có phương thuốc gia truyền chữa hen rất hiệu nghiệm và nhiều người được bà chữa khỏi. Không cần bệnh nhân đi cùng, bà lang đưa cho mẹ chị một gói thuốc ghi liều lượng rõ ràng sau khi nghe kể triệu chứng. Bà lang nói thuốc tốt. Mẹ chị mua liền một lúc gần 400 viên khi chị đang ở nhà bác trên Hà Nội.
Sau 4 ngày dùng thuốc, chị thấy có dấu hiệu mệt mỏi khác thường. Thoạt đầu chỉ hơi đau lưng, đau bụng, mỏi cơ. Gia đình nghĩ chị bị đau thông thường nên cho dùng thuốc giảm đau.
Bước sang ngày thứ bảy, chị N đau bụng dữ dội, tắc ruột và không đi ngoài được. Chị vào Khoa Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai). Bác sỹ Phạm Duệ cho biết: Nếu chậm một ngày, chị có thể hôn mê và tử vong. Phim chụp cho thấy hình ảnh những vật lạ trong cơ thể, những viên thuốc màu cam trị hen mà chị đang uống. Bác sỹ gắp chúng ra nguyên dạng rắn ban đầu do không tiêu hóa được.
Những viên thuốc này được chuyển đến Viện Khoa học&Công nghệ Việt Nam xét nghiệm. Kết quả cho thấy, không dưới 1/10, thậm chí 1/3 lượng thuốc (0,101g) là chì. Trong khi đó theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lượng chì tối đa được đưa vào cơ thể là 60 microgam/kg/tuần.
Đi tìm bà lang chân đất
GS.TSKH Nguyễn Năng An, Chủ tịch Hội Hen dị ứng miễn dịch lâm sàng Việt Nam và là người có trên 100 công trình khoa học nghiên cứu về hen - nói: “Thuốc Đông y không chữa được bệnh hen. Sau khi đỗ tiến sĩ về nước, tôi cùng GS Nguyễn Tài Thu dành 10 năm nghiên cứu chữa bệnh hen bằng đông dược nhưng chưa tìm ra”.
GS An cũng cho biết, người ta có thể dùng kim ngân hoa, cá đầu ngựa, nọc ong… cùng với phương pháp châm cứu vào huyệt thiên đột, khí xá, tâm du, phế du. Nhưng cũng chỉ cắt được các cơn hen nhẹ.
Được chị N cung cấp địa chỉ, chúng tôi cũng tìm đến nhà bà Trịnh Thị Quế (xóm 2, Xuân Thành, Xuân Trường, Nam Định).
Người dân cho biết vùng này có mấy bà Quế và không bà nào là danh y cả. Chỉ khi chúng tôi nói bà Quế chữa bệnh hen, mọi người mới trỏ chỗ cụ thể.
Chúng tôi đến đầu ngõ thì gặp bà. Nét nông dân in hằn trên dáng vẻ của người phụ nữ 50 tuổi - quần xắn quá đầu gối, tay chân lấm bùn, trên đầu vẫn đội cái rổ chuẩn bị ra đồng làm cỏ. Bà xởi lởi tiếp chúng tôi ngay.
Biết chúng tôi đến chữa hen, bà hồ hởi: “Nếu bị hen thì tôi chữa được. Nhà tôi cho đến nay cũng chỉ chữa được mỗi chứng bệnh này”. Bà quảng cáo tiếp: “Cũng nhiều người uống thuốc của tôi và đã khỏi”.
Khi chúng tôi hỏi có cần vào nhà để khám hay bắt mạch gì không, bà cười xòa: “Cần gì bắt mạch, kê đơn. Nếu cô có nhu cầu thì chiều mai quay lại đây. Tôi còn phải ra hiệu thuốc bắc lấy nguyên liệu về làm”. Chúng tôi tỏ vẻ lo ngại liệu thuốc có thể gây dị ứng hay ngộ độc, bà khua tay: “Không sao đâu, thuốc này làm theo công thức có sẵn, toàn từ những vị lành tính. Mấy chục năm nay nhà tôi chữa cho bao nhiêu người, có xảy ra vấn đề gì đâu”.
Theo hẹn, hôm sau chúng tôi quay lại. Gian dưới, bà Quế đang bào chế thuốc. Là bí kíp gia truyền nên chúng tôi không được tiếp cận.
Chừng tiếng sau, bà Quế đưa cho chúng tôi một gói bọc giấy báo. Tay bà vẫn bám đầy bột màu cam. Thấy tôi nhăn nhó, bà bảo: “Muốn khỏi bệnh thì phải chịu khó mới được”. Giá là 50.000 đồng cho 300 viên thuốc.
Những viên thuốc màu cam này lại được chúng tôi đưa đến Viện Khoa học&Công nghệ Việt Nam làm xét nghiệm. TS Vũ Đức Lợi, người trực tiếp xét nghiệm, khẳng định: “Hàm lượng chì mẫu thuốc này cao như mẫu thuốc mà chị N đã uống, chiếm 10-30% tức là 100.000 - 300.000 mg/kg thể trọng”.
Sau ngày lấy thuốc một tuần, chúng tôi gọi điện về cho bà Quế. Hỏi về trường hợp ngộ độc của chị N, bà vẫn cứng giọng: “Chúng nó bịa đấy. Không sao cả đâu cứ an tâm mà uống thuốc”.
( Theo Tienphong Online)