Nhiều người nghĩ chỉ khi thời tiết lạnh mới gây viêm phổi ở trẻ em. Vì nhận thức sai lầm và chủ quan đó mà người lớn ít chú ý đến biểu hiện bệnh của trẻ, khiến nhiều trường hợp đến viện trong tình trạng nguy kịch.
Nguyên nhân gây viêm phổi trong mùa hè:
Thói quen trong ăn uống và vệ sinh
Do thời tiết nóng nực nên các đồ ăn lạnh được sử dụng nhiều như nước đá, kem, trái cây trong tủ lạnh… Đây là những thứ đặc biệt hấp dẫn với trẻ, nhất là những bé lớn, đã hình thành được thói quen ăn uống. Nếu dùng nhiều và liên tục các loại đồ ăn này gây viêm họng, kéo dài sẽ làm cho viêm đường hô hấp ngày một nặng hơn và cuối cùng sẽ dẫn tới viêm phổi.
Ngoài ra, mùa hè trẻ ra nhiều mồ hôi hơn. Ở trẻ nhỏ, nếu không chú ý thì mồ hôi dễ gây nhiễm lạnh, nhất là khi bé mặc quần áo không thoáng mát, thấm mồ hôi. Đối với trẻ lớn, nếu đang nhiều mồ hôi mà đi tắm ngay cũng dễ bị cảm lạnh và dẫn đến viêm phổi.
Lạm dụng điều hòa nhiệt độ
Trong những ngày hè nóng bức, nhiều gia đình sử dụng điều hòa nhiệt độ cả ngày lẫn đêm. Chính sự lạm dụng đó dẫn đến những tác hại nghiêm trọng cho sức khỏe trẻ em. Nhiều người thường để chênh lệch nhiệt độ giữa phòng lạnh và ngoài trời khá nhiều (thậm chí 10ºC), nhất là khi nhiệt độ bên ngoài 35ºC trở lên làm cho cơ thể trẻ em khó thích nghi. Những trẻ nhỏ ở trong phòng điều hòa quá 4 giờ liên tục thường bị da khô, họng khô. Nếu cho trẻ ra vào phòng lạnh đột ngột cũng khiến bé không kịp thích nghi nên dễ viêm đường hô hấp trên và nếu không được chăm sóc tốt cũng có thể bị viêm phổi vì biến chứng.
Hậu quả của những kỳ nghỉ
Mùa hè đến gắn liền với những chuyến du lịch biển, trẻ em thường được cha mẹ cho đi cùng. Nhiều giờ đồng hồ ngâm mình trong nước biển làm sảng khoái người lớn nhưng đối với các bé, đặc biệt dưới 5 tuổi là một nguy cơ lớn với các bệnh đường hô hấp. Hơn nữa nắng, gió trên bãi biển là điều kiện không mấy thích hợp nếu để trẻ chơi nhiều giờ. Thời gian ăn uống, ngủ nghỉ của trẻ cũng thay đổi trong những ngày này. Những yếu tố trên khiến nhiều em bị viêm họng, sốt nóng, ho, chảy nước mũi và có thể dẫn đến viêm phổi. Chính vì vậy khi cho trẻ đi nghỉ cùng, cha mẹ nên chú ý những yếu tố bất lợi cho sức khỏe của con.
Bố mẹ cần chú ý đến những dấu hiệu của bệnh
Viêm phổi ở trẻ có thể do virut hoặc vi khuẩn, như phế cầu khuẩn hay virut cúm, virut hợp bào… Khi chúng mới xâm nhập vào cơ thể, các biểu hiện ban đầu là trẻ có sốt nhẹ hoặc sốt cao liên tục, đau họng, ho húng hắng, chảy nước mắt, mũi, khò khè, ăn kém, bỏ bú, quấy khóc….
Nếu không được phát hiện sớm và hỗ trợ điều trị kịp thời thì bệnh sẽ diễn biến nặng hơn, trẻ sốt cao, li bì, ho tăng lên, có đờm, xuất hiện khó thở, thở nhanh, rút lõm lồng ngực, bỏ bú hoặc bú kém, tím môi, tím đầu chi. Ngoài ra, bé có thể bị tiêu chảy, nôn, đau bụng, nghe phổi có nhiều tiếng ran nhỏ, có thể bị rối loạn tuần hoàn như sốc, trụy tim mạch… Nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây thiếu ôxy não, trẻ sẽ li bì hoặc kích thích, co giật.
Đối với trẻ lớn, các dấu hiệu bệnh dễ kiểm soát hơn vì bé biết kể tình trạng sức khỏe cho cha mẹ và thầy thuốc, còn ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi chỉ là quấy khóc, khó chịu nên dễ nhầm lẫn với tình trạng mọc răng hay sự nhõng nhẽo. Vì thế khi thấy con có những dấu hiệu của viêm họng, ho, sổ mũi, quấy khóc, kém vui chơi, bố mẹ phải chăm sóc trẻ tốt hơn, nếu các dấu hiệu bệnh qua một ngày không thuyên giảm cần đưa bé đến ngay các cơ sở y tế, tránh những diễn biến nặng của bệnh.
Chăm sóc và phòng bệnh cho trẻ
Trong trường hợp nhẹ, có thể nhỏ mũi bằng dung dịch sát khuẩn (natriclorit 0,9%), súc miệng bằng dung dịch súc họng hoặc nước muối loãng ấm hằng ngày. Có thể cho bé dùng một số loại kháng sinh, tốt nhất nên dùng đường uống, dạng sirô. Khi tình trạng bệnh của con không cải thiện, các vị phụ huynh nên cho bé lên tuyến viện trên, không tự cho trẻ uống thuốc đặc biệt là các loại thuốc giảm ho, hạ sốt, kháng sinh vì sẽ gây lu mờ triệu chứng của bệnh và rất khó khăn cho chẩn đoán và điều trị.
Nếu trẻ mắc bệnh nặng phải nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế, bác sĩ sẽ chỉ định các thuốc kháng sinh đặc hiệu và thuốc kháng virut (cho những trường hợp viêm phổi do virut). Khi đó các bác sĩ sẽ theo dõi chức năng gan, thận để điều chỉnh liều lượng cho phù hợp. Nếu trẻ có biểu hiện suy thở thì có thể đặt ống nội khí quản, hô hấp hỗ trợ, truyền dịch khi trẻ sốt cao kéo dài, biểu hiện mất nước…, cho trẻ ăn lỏng, dễ tiêu, đủ chất.
Phòng bệnh cho trẻ bằng các biện pháp vệ sinh sạch sẽ, không hút thuốc, đun nấu trong phòng có trẻ nhỏ và loại bỏ những nguyên nhân gây bệnh trong mùa hè đã kể trên. Ngoài ra, bố mẹ nên nhỏ mũi hằng ngày cho con bằng natriclorit 0,9%, cách ly trẻ bệnh với trẻ khác để tránh lây lan thành dịch, tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ các loại vaccin. Trẻ nhỏ cần được bú mẹ đầy đủ ít nhất đến 18 tháng
(Theo SKDS)