Những nơi có nguy cơ bùng phát dịch bệnh là khu nhà trọ công nhân, ký túc xá, trung tâm giáo dục lao động, doanh trại...
Trung tâm Y tế Dự phòng quận 1 – TPHCM ngày 25-7 đã phát hiện một nữ nhân viên văn phòng 27 tuổi nhiễm cúm A/H1N1. Đến tối cùng ngày, Sở Y tế TPHCM ghi nhận đã có thêm 34 người nhiễm cúm A/H1N1.
Nhiều đường lây
Nhân viên văn phòng nhiễm cúm A/H1N1 nêu trên làm việc tại lầu 7 một cao ốc trên đường Phạm Ngũ Lão, quận 1, bị bệnh cách nay 3 ngày, trước đó đi làm bình thường với 13 đồng nghiệp. Tuy nhiên, người này thường xuyên giao dịch với khách hàng ở tầng trệt nên ngành y tế nhận định có thể bị lây cúm A/H1N1 do đi cùng thang máy với người mắc bệnh.
Cùng ngày, toàn bộ tòa nhà được phun hóa chất khử khuẩn, đồng thời hơn 100 người ở đây được thông báo tự bảo vệ sức khỏe. Riêng một số người thường tiếp xúc gần với bệnh nhân đã được yêu cầu nghỉ làm, tự giám sát bệnh tại nhà.
Học sinh Trường THPT Tư thục Nguyễn Khuyến bị cách ly đang dùng cơm chiều
Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, bệnh cúm A/H1N1 lây lan tại cộng đồng ở TPHCM, ngoài 2 ổ cúm trường học, các ca cúm cũng đã bắt đầu lây tại những khu vực đông người, nơi có môi trường máy lạnh, người nước ngoài thường lui tới, như: Trường ĐH Quốc tế RMIT VN, Trường Mầm non KUMON, cao ốc đường Phạm Ngũ Lão...
Theo bác sĩ Phan Văn Nghiệm, Trưởng Phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế, điều tra dịch tễ cho thấy việc lây cúm A/H1N1 ở các khu đông người có yếu tố liên quan đến người nước ngoài... Riêng các ổ cúm tại trường học ở TP, do xác định được nguồn gốc nên việc triển khai giải pháp kiểm soát khoanh vùng dập dịch khá dễ dàng, hiệu quả...
Tăng cường phòng chống
Cùng ngày, Trường THPT Tư thục Nguyễn Khuyến (quận Tân Bình- TPHCM) phát hiện thêm một học sinh nhiễm cúm A/H1N1, nâng tổng số học sinh mắc cúm tại trường này lên 9 em. Trong khi đó, lãnh đạo Trường THPT Tư thục Ngô Thời Nhiệm (quận 9 - TPHCM) cho biết tình trạng sức khỏe học sinh nhiễm cúm A/H1N1 ở đây ổn định, trường đã bố trí thêm tivi, băng đĩa... cho các em giải trí trong thời gian cách ly điều trị tại đây.
Trước diễn biến của dịch bệnh cúm A/H1N1, Phó Giám đốc Sở Y tế kiêm Phó Ban Chỉ đạo Phòng chống cúm TPHCM Lê Trường Giang đã ký văn bản yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác phòng chống. Theo bác sĩ Giang, những nơi có nguy cơ bùng phát dịch bệnh là khu nhà trọ công nhân, ký túc xá, trung tâm giáo dục lao động, doanh trại...
Vì vậy, ngoài ý thức phòng chống cúm A/H1N1, rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh nơi sinh sống, cần phải làm thông thoáng môi trường các khu tập thể... Bên cạnh đó, ngoài yêu cầu thực hiện ngưng việc dạy học hè tại các trường có học sinh nội trú trên địa bàn chờ cho tới khi dịch tạm lắng, Sở GD-ĐT TP cũng gửi công văn khẩn chỉ đạo các cơ sở ngoại ngữ - tin học và bồi dưỡng văn hóa thực hiện những biện pháp khẩn cấp để khống chế dịch cúm A/H1N1 đang lây lan...
Cùng ngày, Sở Y tế TPHCM cũng tiến hành chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời chuyển giao mô hình bệnh viện dã chiến điều trị cúm A/H1N1 tại trường học cho TP Cần Thơ. Theo bác sĩ Phan Văn Nghiệm, sắp tới TP sẽ chuyển giao hàng loạt bệnh viện dã chiến cho các địa phương nhằm tăng cường công tác phòng chống cúm A/H1N1.
Bình Phước: Đóng cửa chợ
Ngày 25-7, ông Tống Quốc Tần, Chủ tịch UBND xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú - Bình Phước, cho biết trước việc tại khu vực chợ Thuận Phú có 2 người nhiễm cúm A/H1N1, để hạn chế dịch bệnh lan rộng ra cộng đồng, UBND xã đã quyết định tạm thời đóng cửa chợ trong một tuần. Xã đã tiến hành cách ly, cắt cử lực lượng dân quân, du kích bảo vệ khu vực xung quanh chợ. Gia đình 2 người nhiễm cúm A/H1N1 ở Thuận Phú đều có sạp bán hàng trong chợ Thuận Phú. B.T
|