“Hầu hết các dạng ung thư là tự phát đơn lẻ. Hơn 80 phần trăm do yếu tố môi trường. Yếu tố di truyền cũng có nhưng chiếm tỉ lệ không nhiều, thể hiện không rõ ràng”, Thạc sĩ Lê Văn Quảng, giảng viên bộ môn ung thư, Bệnh viện K Trung ương, nói.
|
Bác sĩ Phạm Văn Bình (Bệnh viện K) chăm sóc bệnh nhân sau mổ. Ảnh: Khương Lực |
Trường hợp ở Sơn Tây, khó có khả năng di truyền
Gần đây, một số báo phản ánh hiện tượng gia đình ông Hà Văn Bích (thôn Đoài Giáp, xã Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội) có 13 người thì 10 người chết vì bệnh ung thư.
Th.S Lê Văn Quảng cho biết, ông cũng từng gặp một số trường hợp hai mẹ con hoặc hai anh em ruột cùng bị ung thư nhưng chưa bao giờ gặp một gia đình nào có nhiều người mắc ung thư như gia đình ông Bích.
Điều đáng nói, trong gia đình ông lại xuất hiện nhiều chứng bệnh ung thư khác nhau (ung thư gan, ung thư phổi và ung thư xương) chứ không cùng mắc cùng một chứng bệnh, trừ trường hợp hai cha con anh Long cùng bị ung thư xương.
“Trường hợp gần như cả gia đình này mắc ung thư chưa thể khẳng định chắc chắn là do di truyền hay không mà có thể do một vài yếu tố khác gây nên”, ông nhận định.
Trước năm 2001, Th.S Quảng cùng một số bác sĩ đến Đường Lâm, Sơn Tây hai lần để tham gia khám sàng lọc ung thư cho nhân dân ở đây. Ông cho biết, trường hợp mắc bệnh ung thư ở địa phương này không nhiều.
Cũng theo ông, để kết luận việc có nhiều người trong một gia đình bị ung thư cần phải có cơ sở chứng minh từ kết quả mô bệnh học chính xác, các xét nghiệm môi trường, nguồn nước cụ thể hoặc theo dõi chế độ ăn uống của họ. Bởi vì, những bệnh ung thư kể trên hầu như khó có khả năng di truyền.
Theo các chuyên gia, bệnh ung thư do nhiều nguyên nhân và nhiều yếu tố phối hợp như môi trường, cách sinh hoạt, di truyền, thức ăn uống và mức độ tiếp xúc chất quang tuyến hay hóa chất tại môi trường làm việc, trong đó, môi trường là nguyên nhân cơ bản nhất dẫn tới ung thư.
Nhưng ảnh hưởng của môi trường còn phụ thuộc vào quá trình, thời gian, liều lượng tiếp xúc và hệ thống miễn dịch của từng người khác nhau, Th.S Quảng nhấn mạnh.
Gia truyền hay di truyền
Theo GS Nguyễn Chấn Hùng, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, Chủ tịch Hội Ung thư TPHCM, tính di truyền dựa trên quan hệ huyết thống chiếm khoảng 10 phần trăm. Cần phân biệt tính gia truyền và di truyền, tránh sự hiểu lầm vì hầu hết các bệnh ung thư đều có liên quan đến gene.
Như vậy vấn đề di truyền mang tính chất khác. Ở đây chỉ nên nói đến tính gia truyền, truyền từ mẹ sang con hoặc anh chị em ruột với nhau.
Cũng theo GS Hùng, một số bệnh ung thư mang tính gia truyền thể hiện rõ nhất là ung thư nhũ hoa (vú), ung thư đại tràng và ung thư tuyến giáp trạng (dạng tủy). Tỷ lệ nguy cơ bị ung thư của những người trong gia đình có người mắc loại ung thư này cao hơn so với các loại ung thư khác.
Nghiên cứu của các chuyên gia cho thấy, hiện nay chưa có cách thức nào để hạn chế hay ngăn chặn tính gia truyền trong ung thư. Tuy nhiên, ở nước ngoài, chẳng hạn như Mỹ đã áp dụng phương pháp test về gene để tìm ra những gene có nguy cơ ung thư cao.
Phương pháp này chưa được thử nghiệm tại Việt Nam vì, theo GS Hùng, còn có nhiều yếu tố chưa chắc chắn mang tính pháp lý hoặc có thể tác dụng không tốt trong suy nghĩ, quan niệm của nhân dân ta. Đối với những gene không thể hiện, khả năng nhận biết bệnh rất khó.
GS Hùng khuyến cáo, với những gia đình đã có người mắc bệnh, nên theo dõi để phát hiện ung thư sớm, tiến hành soi ruột, phát hiện ung thư dạ dày, đại tràng hoặc khám tuyến vú định kỳ, phát hiện ung thư vú.
Tuy nhiên, tính gia truyền trong ung thư thể hiện không rõ ràng và không phải là nguyên nhân cơ bản. Vì vậy, trong khi lưu tâm đến sức khỏe của mình, vẫn theo GS Hùng, không nên quá lo lắng và đặt vấn đề thái quá với căn bệnh này nếu có ai đó trong gia đình mắc.