Mới đây, tiến sĩ Lê Thị Anh Thư, Trưởng khoa Chống nhiễm khuẩn Bệnh viện Chợ Rẫy, Chủ tịch Hội đồng chống nhiễm khuẩn TP Hồ Chí Minh, truyền đạt những kiến thức mới về chống nhiễm khuẩn cho đội ngũ y bác sĩ ở Phú Yên. Báo Phú Yên đã phỏng vấn tiến sĩ xung quanh vấn đề này.
|
Rửa tay sát khuẩn trước khi vào phòng mổ để chống nhiễm khuẩn. |
* Bác sĩ có thể cho biết tỉ lệ nhiễm khuẩn hiện nay? Nguyên nhân nào làm cho bệnh nhân và người nhà của họ có thể bị nhiễm vi khuẩn ở bệnh viện?
- Trong số bệnh nhân vào viện ở Việt Nam, tỉ lệ nhiễm khuẩn chiếm 5,8%. Nhiễm khuẩn bệnh viện tập trung cao ở khu vực hồi sức cấp cứu và ngoại khoa. Nghiên cứu cho thấy, có 3 loại nhiễm khuẩn thường gặp ở nước ta là: nhiễm khuẩn hô hấp, nhiễm khuẩn vết mổ và nhiễm khuẩn tiêu hóa. Do cơ địa bệnh nhân không có miễn dịch tốt nên có nhiều nguy cơ nhiễm trùng. Bệnh nhân cấp cứu, đặc biệt là do tai nạn giao thông, vết thương luôn trong tình trạng mất vệ sinh. Y bác sĩ vừa kịp thời cấp cứu nạn nhân vừa phải lo vô trùng cho người bệnh; công tác chống nhiễm khuẩn tại thời điểm tiếp nhận bệnh gặp nhiều khó khăn. Đối tượng bị nhiễm khuẩn chủ yếu do dùng thủ thuật như đặt xông dẫn lưu, xông bàng quang, xông niệu đạo, dùng máy thở hỗ trợ hô hấp. Với những bệnh nhân phẫu thuật, loại vết mổ bẩn và nhiễm có tỉ lệ nhiễm khuẩn vết mổ cao, lên tới 30%. Tình trạng bệnh nhân và người nhà (mặc quần áo dành cho người chăm sóc bệnh nhân) ra ngoài đường diễn ra thường xuyên.
Ngoài ra, có thể bị nhiễm khuẩn trong môi trường, trong không khí. Ví dụ như phòng mổ mà không tiệt trùng sạch sẽ thì trong không khí đôi khi cũng có vi khuẩn. Vi khuẩn có thể có trong những dụng cụ chăm sóc bệnh nhân, dụng cụ ở phòng mổ, áo của phẫu thuật viên... Cái nắm cửa ở trước mỗi phòng đôi khi cũng có vi khuẩn, nhiều người ra vô cứ mở thường xuyên mà không chịu rửa tay. Và ngay cả những dụng cụ trong phòng bệnh nhân hoặc máy điều hòa không khí lâu ngày không lau chùi sát trùng cũng là nguồn lây nhiễm.
* Ngoài việc truyền bệnh cho người bị lây, nhiễm khuẩn bệnh viện còn có những tác hại nào khác?
- Nhiễm khuẩn bệnh viện có khả năng lây lan nhiều và hậu quả nặng nề. Bệnh nhân nếu nhiễm khuẩn bệnh viện thì thời gian điều trị phải kéo dài, chi phí cho điều trị cao, nhiều biến chứng, tăng kháng sinh điều trị. Mỗi trường hợp nhiễm khuẩn bệnh viện làm kéo dài thời gian nằm viện trung bình từ 9,4 đến 24,3 ngày và làm tăng chi phí từ 2 - 32,3 triệu đồng. Người thân của bệnh nhân vô thăm nuôi có thể đem mầm bệnh ra ngoài.
Nhiễm khuẩn bệnh viện không những gây hậu quả nặng nề về mặt lâm sàng, mà còn là nguyên nhân làm xuất hiện những chủng vi khuẩn đa kháng thuốc. Tình trạng lạm dụng kháng sinh phổ biến ở những nước đang phát triển cũng là nguyên nhân làm trầm trọng thêm mức độ kháng thuốc của các chủng vi khuẩn bệnh viện.
Một trong những tồn tại của công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện là kiến thức, thái độ và thực hành của nhân viên y tế về hầu hết các mặt công tác chống nhiễm khuẩn còn yếu. Điều này làm cho nhiệm vụ đào tạo, tập huấn và kiểm tra giám sát của nhân viên chuyên trách chống nhiễm khuẩn trở nên quá nặng nề.
Bên cạnh đó, việc chưa tuân thủ quy chế chống nhiễm khuẩn, giám sát bệnh truyền nhiễm chưa chặt chẽ, đầu tư cho công tác chống nhiễm khuẩn chưa đạt yêu cầu, chưa có tiêu chuẩn quốc gia về công tác chống nhiễm khuẩn, trách nhiệm của bệnh viện, của các khoa phòng, từng nhân viên y tế và của cộng đồng về công tác phòng chống nhiễm khuẩn cũng chưa được đề cập trong các văn bản pháp quy… cũng ảnh hưởng đến công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện.
* Muốn tránh nhiễm khuẩn ở bệnh viện, cần chú ý đến những điều gì? Có thể áp dụng những biện pháp nào để đạt hiệu quả cao?
- Biện pháp đầu tiên, quan trọng là giữ vệ sinh. Cách thứ nhất là rửa tay thường xuyên. Một số bệnh viện để bình rửa tay ngay tại giường bệnh hoặc ngay tại cửa ra vào để người ra vô rửa tay và khi lau thì cũng có khăn giấy sạch, chứ không lau chung một cái khăn. Ngoài ra, phải làm vệ sinh phòng ốc sạch sẽ thường xuyên, và bằng những phương tiện sát trùng. Riêng đối với những bộ phận chuyên biệt ở bệnh viện, phải có biện pháp kiểm tra vi khuẩn thường xuyên, còn ở phòng bệnh thì phải nhắc nhở mọi người giữ gìn vệ sinh. Những người thăm nuôi, khi vô phòng bệnh thì phải có cái áo choàng; trước khi vô thăm bệnh nhân, tay chân cũng phải sạch sẽ, vì dễ đem mầm bệnh từ ngoài vô hay đem mầm bệnh từ bệnh viện ra ngoài.
Hiện chống nhiễm khuẩn chưa trở thành hoạt động thường quy của các cơ sở y tế, thiếu sự quan tâm đúng mức của lãnh đạo và mới chỉ tập trung vào việc vệ sinh môi trường, không khí. Do đó, cần đầu tư phương tiện thiết yếu cho kiểm soát nhiễm khuẩn, đẩy mạnh kiểm soát nhiễm khuẩn, ưu tiên các lĩnh vực như vệ sinh bàn tay, đào tạo nhân viên y tế về công tác này.
Cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình chống nhiễm khuẩn tại các bệnh viện, đặc biệt là đối với chất thải y tế, vệ sinh môi trường, dịch bệnh truyền nhiễm…Các bệnh viện phải cụ thể hóa các quy định, quy trình chuyên môn về chống nhiễm khuẩn phù hợp với điều kiện bệnh viện nhưng phải phù hợp với nguyên tắc chống nhiễm khuẩn; đồng thời cần tăng cường giáo dục nhân viên y tế thực hiện các quy định phòng chống nhiễm khuẩn, thực hiện tốt công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện.