Theo số liệu từ Bộ Y tế, 6 tháng đầu năm 2009, Việt Nam đã ghi nhận hơn 25.770 bệnh nhân sốt xuất huyết, 26 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2008, số ca mắc sốt xuất huyết tăng 25,9%, số ca tử vong tăng 24%.
Bộ Y tế khuyến cáo, dịch có khả năng bùng phát tại một số tỉnh, thành phố trong những tháng cuối năm 2009.
Theo ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế), một trong những khó khăn trong công tác này là kinh phí được duyệt thấp hơn nhiều lần so với nhu cầu thực tế.
Thưa ông, theo báo cáo, có những địa phương số ca sốt xuất huyết đã tăng tới 300% so với cùng kỳ 2008?
Hầu hết đây là các địa phương năm trước chưa có dịch hoặc có với số lượng ít. Giả sử, năm 2008 địa phương này chỉ có 10 trường hợp mắc bệnh, năm 2009 có 300 trường hợp thì tính ra phần trăm sẽ là rất lớn. Vấn đề là các con số tuyệt đối. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng để xảy ra tình trạng dịch tăng mạnh này thuộc về trách nhiệm của địa phương, đặc biệt công tác phòng chống dịch (phun diệt muỗi...) chưa thực hiện tốt.
Ông có thể cho ví dụ cụ thể về những địa phương chưa thực hiện tốt công tác phòng chống dịch?
Tôi ví dụ như Phú Yên, công tác chỉ đạo phun thuốc phòng chống dịch của tỉnh chưa được sát sao. Ngay từ khi có hiện tượng tăng số ca sốt xuất huyết, Bộ đã có chỉ đạo về công tác phòng chống dịch nhưng tỉnh lại thực hiện chậm. Trong tuần này, Bộ đã cử đoàn công tác vào Phú Yên để làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh.
Năm nào dịch cũng xuất hiện và năm nào ổ dịch cũng tập trung nhiều ở khu vực phía Nam, tại sao vậy, thưa ông?
Dịch sốt xuất huyết xảy ra không chỉ ở Việt Nam mà hiện nay sốt xuất huyết tại các nước lân cận như Campuchia, Singapore, Malaysia cũng đã tăng rất mạnh.
Với Việt Nam, “điểm nóng” của dịch sốt xuất huyết năm nay vẫn tập trung ở phía Nam, nhất là các tỉnh như: Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Tp.HCM...
Sở dĩ dịch bùng phát mạnh ở các tỉnh miền Nam bởi khu vực này hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để dịch xuất hiện và lan nhanh như: điều kiện môi trường mưa nắng thất thường, triều cường...thuận lợi cho loăng quăng sinh trưởng phát triển.
Đặc biệt những năm gần đây khu vực này còn tập trung lượng lớn người nhập cư trong các khu công nghiệp, khu chế xuất (Đồng Nai, Tp.Hồ Chí Minh, Bình Dương) mà ở những khu vực này thường không đảm bảo được các điều kiện phòng chống muỗi, phòng chống sốt xuất huyết.
Hay tại khu vực đồng bằng Sông Cửu Long việc trữ nước sinh hoạt ngày càng nhiều cũng là môi trường thuận lợi cho loăng quăng sinh trưởng phát triển.
Nhiều tỉnh cho rằng nguồn kinh phí hạn hẹp đang gây cản trở lớn cho công tác phòng chống dịch bệnh tại địa phương?
Chiều 8/7 tôi cũng đã nhận được điện từ Văn phòng Chính phủ nói rằng Thủ tướng Chính phủ vừa ký duyệt nguồn kinh phí cho Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống sốt xuất huyết.
Tuy nhiên, tới ngày 9/7 tôi vẫn chưa nhận được văn bản cụ thể. Thông thường, văn bản từ văn phòng Chính phủ về tới cục chắc cũng mất thời gian một tuần.
Nguồn kinh phí này sẽ được sử dụng như thế nào?
Việc sử dụng đã được lên kế hoạch cụ thể khi phê duyệt kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống sốt xuất huyết. Ở cục, kinh phí sẽ được dùng để mua hóa chất, chi phí cho các khóa tập huấn phòng chống dịch. Khi phân cấp về các địa phương, địa phương sẽ chi cho các hoạt động như mua thuốc khử trùng, chế độ cho cộng tác viên...
Nhưng nhu cầu thực tế cho công tác phòng chống sốt xuất huyết thường lớn hơn tới 20 lần con số được duyệt.
Đây là nguyên nhân dẫn tới nguy cơ dịch có khả năng bùng phát mạnh và số ca mắc bệnh cũng như số người chết tăng?
Công tác phòng chống sốt xuất huyết hiện nay có rất nhiều vấn đề. Cục Y tế dự phòng và môi trường khuyến cáo rằng: phòng chống sốt xuất huyết cần có sự tham gia của cả cộng đồng, không có loăng quăng, không có muỗi thì không thể có sốt xuất huyết.
Nếu như những năm trước sang tới tháng 7- 8 Bộ Y tế mới tổ chức phun thuốc phòng dịch thì năm 2009 đã thực hiện sớm ngay từ tháng 6 trên diện rộng. Tuy nhiên việc đó chỉ diệt được con muỗi trưởng thành chứ không thể diệt loăng quăng tồn tại trong môi trường nước của mỗi gia đình, chưa kể dịch hiện nay đang diễn ra trên diện rộng.
Vì vậy, phòng chống sốt xuất huyết không thể chỉ trông chờ vào nỗ lực của riêng ngành y tế mà các gia đình phải tự mua các bình xịt hóa chất để tự diệt loăng quăng trong gia đình; và phải có sự kiểm tra chéo trong cộng đồng. Công việc này không đòi hỏi về vấn đề kinh tế mà là vấn đề ý thức của mỗi người dân và cần phải được làm thường xuyên.