|
Cuộc sống hiện nay của Sarah không có ti vi, điện thoại di động lẫn máy tính. |
Công việc của Sarah Dacre đang thuận buồm xuôi gió thì bỗng dưng năm 1994, bà mắc chứng bệnh lạ, với nhiều triệu chứng không rõ nguyên nhân. Mãi đến năm 2006, tình trạng của Sarah mới được xác định là Hội chứng quá mẫn cảm với thiết bị điện, buộc bà phải tránh xa cuộc sống hiện đại.
Mới đầu, bệnh của Sarah, 53 tuổi, khởi phát với triệu chứng đau nửa đầu mà bà cho là do căng thẳng tinh thần (stress). Khi đó, bà đang sống cùng con trai và điều hành công ty sản xuất chương trình truyền hình ở Luân Đôn (Anh) với hơn 70 nhân viên.
Mấy tháng sau, cơn đau đầu tăng dần và xuất hiện thường xuyên hơn. Bà bắt đầu lo lắng, nhất là những lúc bị tê cứng phần thân dưới bên phải và cảm thấy chức năng tiêu hóa suy giảm hẳn. “Bác sĩ cho rằng có thể do tôi làm việc quá sức và cần nghỉ ngơi nhiều hơn”, Sarah kể lại. Sau khi được chẩn đoán mắc chứng khó dung nạp thức ăn, bà liền loại bỏ lúa mì và các chế phẩm từ sữa ra khỏi thực đơn nhằm giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu. Nhưng chẳng có kết quả. Sarah hy vọng tình trạng của mình sẽ tự khỏi vì trước nay bà sống năng động, chơi nhiều môn thể thao và chưa hề mắc bệnh nào nghiêm trọng. Thế nhưng 7 năm sau, bà tiếp tục bị đau đầu kinh khủng và có cảm giác như hệ tiêu hóa suy kiệt.
Khi công nghệ bùng nổ năm 2001, Sarah tậu vô số thiết bị điện tử về nhà và văn phòng nhưng chưa bao giờ nghĩ chúng là “thủ phạm” khiến bệnh mình nặng thêm. Mặc dù chồng sau lẫn con trai đều rất quan tâm và động viên, nhưng Sarah vẫn mặc cảm mình không khác gì người tàn phế. Bà quyết tâm tìm ra nguyên nhân bệnh để trị tận gốc. Tuy nhiên, sức khỏe vẫn không cải thiện dù bà gặp nhiều bác sĩ chuyên khoa và thử qua nhiều liệu pháp điều trị.
Khi các triệu chứng cũ trở nặng, những triệu chứng mới cũng xuất hiện. Năm 2003, bà Sarah mắc thêm chứng cao huyết áp, thường xuyên bị hoảng loạn và khó thở. Sức khỏe kém khiến việc điều hành công ty cũng khó khăn hơn, nhưng bà vẫn cố gắng làm việc hết khả năng. Năm 2004, Sarah xuất hiện tình trạng mờ mắt, rối loạn nhịp tim, chóng mặt, ù tai và mệt mỏi kinh niên. Một năm sau, với hy vọng có một khởi đầu mới, bà chuyển đến ngôi nhà sang trọng mới xây nhưng không ngờ bệnh lại trở nặng thêm. 2 tuần sau khi chuyển đến nhà mới, Sarah phát hiện ngực nổi khối u nhưng may đó chỉ là bướu lành. Không chỉ vậy, tóc bà bắt đầu rụng, răng lung lay và móng tay bị nứt, dễ gãy dù chỉ chạm nhẹ.
Nhận thấy không thể tiếp tục làm việc, Sarah quyết định đóng cửa công ty. Con trai và chồng của bà bắt tay lục lọi trên Internet và phát hiện nhiều trang web cảnh báo những tác hại của xung điện từ với các triệu chứng đều trùng khớp với bệnh trạng của Sarah, gọi chung là Hội chứng quá mẫn cảm với điện (EHS). Lúc đó, bà quyết dời điện thoại, ti vi, máy tính và dây điện ra khỏi phòng. “Tôi bắt đầu uống thuốc bổ và tránh xa những tòa nhà có nhiều thiết bị điện. Phương pháp đó thật hữu hiệu, tôi bắt đầu cảm thấy khỏe hơn, ăn và ngủ ngon hơn ”, Sarah nhớ lại.
Cuối cùng năm 2006, những bí ẩn xung quanh bệnh tình của Sarah trong suốt 14 năm đã được giải tỏa khi một chuyên gia khẳng định bà mắc EHS. Từ đó, Sarah tránh xa điện thoại, ĐTDĐ, lò vi sóng, máy thu thanh, máy tính hoặc những nơi công cộng như phi trường, trạm xe lửa, tàu điện ngầm, bảo tàng hay nhà hàng... “Cách đây 5 tháng, tôi bán căn nhà ở Luân Đôn và chuyển đến thị trấn Kent sinh sống. Chỉ trong 1 tháng, sức khỏe cải thiện thấy rõ. Tôi ngủ ngon hơn và cảm thấy cơ thể khỏe hẳn ra, thậm chí có thể làm những việc nặng nhọc trong nhà”, Sarah phấn khởi khoe.
Hiện bà có thể đi bộ, làm vườn, làm việc trên laptop (với mức độ hạn chế) và giúp đỡ người đồng cảnh ngộ. “Tôi đang cố gắng làm việc để đến một ngày nào đó, tôi có thể làm lại từ đầu bằng cách sản xuất chương trình về EHS. Mục tiêu của tôi là giúp mọi người phòng tránh căn bệnh mà tôi mắc phải trong thời buổi các thiết bị điện tử ngày càng chiếm lĩnh cuộc sống”, Sarah chia sẻ.