Con bế cháu vào nhà đi. Để cháu lạnh thế viêm phổi đấy, bà Hoa giục con dâu. Ở quê, trẻ con chưa đầy tháng được ủ kín trong nhà, ai như cháu bà, mới mấy ngày tuổi mà sáng nào cũng bị mẹ đem ra phơi nắng.
Nhìn cháu nội cởi trần trùng trục, chỉ quấn có độc cái tã mỏng manh và đội chiếc mũ bé xíu, bà xót ruột lắm. Bà thầm trách con dâu vụng về: "Mấy đứa chẳng hiểu biết gì, chỉ tội thằng bé".
Trẻ nhỏ cần được tắm nắng
Thói quen kiêng cữ khiến nhiều người bỏ qua việc tắm nắng cho trẻ sơ sinh. Điều này thật sai lầm.
Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh cần vitamin D để hỗ trợ cho việc phát triển xương, tránh tình trạng vàng da. Nhưng cơ thể chỉ nhận khoảng 20% lượng vitamin D từ thức ăn, phần còn lại do cơ thể tự tổng hợp từ ánh nắng mặt trời.
Hầu hết các sản phụ thường kiêng khem quá mức. Sau khi sinh, họ không dùng đồ tanh như tôm, cua, cá… vì sợ ảnh hưởng đến đường tiêu hóa của trẻ. Vì vậy, lượng vitamin D trẻ nhận được từ sữa mẹ chẳng được bao nhiêu.
Do đó, việc không cho trẻ tắm nắng sẽ làm cho cơ thể trẻ thiếu vitamin D. Từ đó trẻ dễ bị bệnh còi xương hoặc xương bị biến dạng.
Cho trẻ tắm nắng khi nào và như thế nào?
Để tận dụng nguồn tài nguyên tự nhiên, bù đắp lượng vitamin thiếu hụt từ chế độ ăn của mẹ, bạn cần cho trẻ tắm nắng hàng ngày. Tia tử ngoại trong ánh nắng mặt trời thúc đẩy quá trình tổng hợp vitamin D, từ đó giúp củng cố da và niêm mạc của trẻ, giúp bé thích nghi với môi trường bên ngoài, tăng sức đề kháng, chống lại bệnh truyền nhiễm.
Tuy nhiên, đừng bao giờ cho bé tắm nắng vào lúc giữa trưa hoặc cho bé phơi mình đến đỏ rộp dưới ánh nắng chói chang trên bờ biển. Điều đó hoàn toàn không có tác dụng tối đa hóa lượng vitamin D cho cơ thể như nhiều người lầm tưởng.
Trẻ nên được tắm nắng ngay sau khi chào đời với thời lượng khoảng 10-20 phút. Thời gian cho bé tắm nắng tốt nhất là từ 6 giờ 30 đến 7 giờ. Hôm nào nắng yếu, bạn có thể cho bé tắm nắng trễ hơn. Sau 8 giờ sáng trở đi, bạn không nên để bé phơi mình dưới nắng.
Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý những điều sau:
Nơi thoáng đãng, ít bụi bặm, đón được nhiều ánh sáng mặt trời sẽ giúp tối đa hiệu quả của việc tắm nắng. Bạn có thể ẵm bé đứng bên khung cửa mở rộng nhưng đừng cho bé tắm nắng sau cửa kính. Kính làm mất tác dụng của tia tử ngoại.
Phần da tiếp xúc với ánh nắng càng nhiều, cơ thể bé càng nhận được nhiều vitamin D. Với trẻ sơ sinh, bạn chỉ nên vén áo cao đến phần ngực, cho bé mặc tã, đội mũ để bảo vệ cơ quan sinh dục và mắt.
Trẻ lớn vẫn cần được tắm nắng nhưng lúc này không cần lên thời gian biểu cho bé. Bạn có thể cho bé chơi ngoài trời, dưới bóng râm (lúc nắng gắt). Với những bé gái từ 5-6 tuổi trở lên, bạn không nên để bé cởi trần "diễu hành" ngoài trời để bảo vệ bé khỏi kẻ xấu.