Viêm loét dạ dày-tá tràng là một bệnh thường gặp và vẫn đang có xu hướng gia tăng mặc dù hiện nay các loại thuốc trị liệu là hết sức phong phú. Để phòng chống căn bệnh này, y học cổ truyền sử dụng rất nhiều phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc, trong đó có một loại hình hết sức đơn giản và thuận tiện, đó là việc người bệnh day bấm một số huyện vị. Quy trình tiến hành cụ thể như sau:
Xoa bụng: Dùng một hoặc hai bàn tay đặt chồng lên nhau xoa bụng theo chiều kim đồng hồ với một lực ấn vừa phải trong 5 phút. Trước đó có thể dùng một loại dầu nóng xoa khắp bụng một lượt.
Huyệt trung quản
Ảnh: Sức Khoẻ & Đời Sống
Day ấn huyệt trung quản: Dùng ngón tay cái hoặc ngón tay giữa day ấn huyệt trung quản trong 2 phút sao cho đạt cảm giác tức nặng tại chỗ và lan sâu vào bên trong dạ dày là được. Vị trí huyệt trung quản: ở điểm giữa của đoạn nối rốn và điểm giao nhau của hai bờ sườn hoặc từ rốn đo thẳng lên trên 4 tấc. Đây là một huyệt vị hết sức quan trọng, có công dụng giảm đau, điều hòa chức năng co bóp và bài tiết của dạ dày khá tốt.
Day ấn huyệt nội quan: Dùng ngón tay cái day ấn huyệt nội quan trong 2 phút sao cho đạt cảm giác tê tức tại chỗ là được. Vị trí huyệt nội quan: từ giữa lằn chỉ cổ tay đo lên trên 2 tấc, ở giữa hai gân cơ gan tay lớn và gan tay bé, nắm bàn tay và gấp nhẹ vào cẳng tay để làm nổi rõ hai gân này.
Huyệt túc tam lý
Ảnh: Sức Khoẻ & Đời Sống
Day ấn huyệt túc tam lý: Dùng ngón tay cái hay ngón tay giữa đồng thời day ấn cả hai huyệt túc tam lý trong 2 phút sao cho có cảm giác tê tức tại chỗ và lan xuống mặt ngoài hai bàn chân là được. Vị trí huyệt túc tam lý: sờ bờ trước xương ống chân (mào chày) từ dưới cổ chân ngược lên, đến gần khớp gối ngón tay bị mắc lại ở đâu thì đó là lồi củ trước xương chày, từ đây đo ra ngoài một khoát ngón tay là vị trí huyệt, ấn có cảm giác tê tức lan xuống bàn chân. Đây là một huyệt vị rất quan trọng, chuyên dùng để chữa các chứng bệnh đường tiêu hóa, có công dụng bổ tỳ kiện vị, điều hòa công năng dạ dày và ruột, nâng đỡ sức đề kháng của cơ thể.
Day ấn huyệt thái xung: dùng ngón tay cái day ấn đồng thời hai huyệt thái xung trong 2 phút sao cho đạt cảm giác tê tức tại chỗ là được. Vị trí huyệt thái xung: sờ dọc theo khoảng gian đốt xương bàn chân 1 (ngón cái) và 2, xác định góc tạo nên bởi hai đầu xương bàn chân của hai ngón, huyệt nằm ở góc này, khi ấn có cảm giác căng tức.
Quy trình này phải được tiến hành kiên trì và đều đặn, mỗi ngày 2 lần sáng và chiều, khi đau cấp có thể làm thêm một lần nữa. Xoa bóp có ý nghĩa rất lớn với trường hợp đau bụng cấp do viêm loét dạ dày-tá tràng mà trong hoàn cảnh “thuốc chưa có trong tay, thầy không có tại chỗ”. Ngoài ra, đó còn là một phương pháp phòng bệnh tích cực và trị liệu mang tính hỗ trợ cùng với các biện pháp khác.
Theo ThS. Hoàng Khánh Toàn - Sức Khoẻ & Đời Sống