Tổ chức Nhi khoa thế giới phải lên tiếng cảnh báo về lối sống thành thị, xa rời thiên nhiên nên số trẻ bị mắc dị ứng miễn dịch đã tăng lên đáng kể. Đây là bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn, khiến trẻ phải sống trong điều kiện kiêng khem, cuộc sống đảo lộn và khác thường. Nhiều trẻ em sống ở thành thị có điều kiện sống hiện đại, xa rời thiên nhiên, dùng nhiều thức ăn chế biên công nghiệp… bị dị ứng, hen… Mọt trong đệm ngủ - thủ phạm giấu mặt
Đệm ngủ là vật dụng không thể thiếu trong hầu hết các gia đình ở thành thị. Nhiều người còn có thói quen ngủ đệm cả mùa đông lẫn mùa hè. Tuy vậy, đa số chúng ta chỉ chú tâm đến việc giặt chăn ga, vỏ gối cho sạch sẽ mà quên mất việc vệ sinh cho chiếc đệm. Có khi cả năm hoặc nhiều năm, chiếc đệm không được mang ra đập, phơi nắng…
Chiếc đệm để lâu ngày sẽ sinh ra những con mọt nhỏ như hạt bụi và khó nhìn được bằng mắt thường. Đây là tác nhân đáng kể gây bệnh hô hấp, trong đó có hen - bác sỹ Nguyễn Văn Lộc, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện phụ trách Phòng khám hen cảnh báo.
Mọt sống trong đệm thực chất là một dạng protein lạ. Khi mọt xâm nhập, cơ thể cả trẻ em và người lớn đều sinh kháng thể chống lại mà chúng ta không hề hay biết. Lâu dần, cuộc chiến đấu giữa kháng thể và mọt sẽ gây bệnh hô hấp, có thể gây ra hiện tượng phù do chít hẹp đường thở hoặc tiết dịch, gây ra bệnh hen.
Do đó, không nên xem nhẹ việc làm sạch, phơi nắng kĩ định kỳ hoặc dùng thuốc diệt mọt cho đệm ngủ.
Ngoài mọt đệm, gián, phấn hoa, bụi nhà, bụi đường cũng được xem là các tác nhân gây bệnh tương tự. Vào mùa hè, khí hậu nóng ẩm, đồ dùng, sách báo, quần áo rất dễ lên nấm mốc cũng có thể là nguy cơ gây bệnh ngay trong nhà.
Bác sỹ Lộc cho biết thêm, một số người bị bệnh hen cứ thấy hoa sữa hoặc đi qua đoạn đường bụi là lên cơn hen.
Người khoẻ mạnh tuy không nhạy cảm như vậy, nhưng nếu thấy bị hắt hơi, chảy nước mũi khi mở tủ sách hoặc quần áo lâu ngày không mặc, thì nên chú ý vệ sinh đồ dùng sạch sẽ. Vì nấm mốc, hạt bụi siêu nhỏ trong nhà lâu ngày là nguy cơ ngấm ngầm gây bệnh.
Sống xa rời thiên nhiên
Ở trong những toà nhà cao tầng sạch sẽ, ăn các loại thực phẩm ngon, bổ nhất được chế biến rất cẩn thận, dùng thìa, bát, bình sữa tráng nước sôi… - đó là điều kiện sống của rất nhiều em bé ở thành thị hiện nay. Điều đó là rất đáng mừng vì ngày càng có nhiều em bé được nuôi dưỡng trong điều kiện vệ sinh, dinh dưỡng đầy đủ, nhưng chưa hẳn là tốt.
Sống quá hiện đại, sạch sẽ, trẻ ít có nguy cơ bị nhiễm khuẩn, nhưng cơ thể trẻ sẽ không học được cách tự chiến đấu với bệnh tật. Đó là điều mà nhiều người đã biết.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Tổ chức Nhi khoa thế giới phải lên tiếng cảnh báo về lối sống thành thị, xa rời thiên nhiên nên số trẻ bị mắc dị ứng miễn dịch đã tăng lên đáng kể. Đây là bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn, khiến trẻ phải sống trong điều kiện kiêng khem, cuộc sống đảo lộn và khác thường.
Có nhiều trẻ bị dị ứng với những loại thức ăn giàu dinh dưỡng, có lợi cho cơ thể, thậm chí có trẻ đã chết vì dị ứng với hầu hết các loại thức ăn.
Các điều tra cho thấy, tỷ lệ trẻ em sống ở đô thị mắc các bệnh dị ứng miễn dịch nhiều gấp rưỡi so với trẻ ở nông thôn. Ở Việt Nam, tuy chưa có các công trình nghiên cứu khoa học toàn diện về vấn đề này, nhưng qua thực tế tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai gần đây, nhiều trẻ em sống ở thành thị có điều kiện sống hiện đại, xa rời thiên nhiên, dùng nhiều thức ăn chế biên công nghiệp… bị dị ứng, hen…
Theo TS Dũng, những đứa trẻ từ nhỏ đã ăn uống, sinh sống trong điều kiện gần như vô trùng, lớn lên, chúng dễ bị dị ứng với các loại thực phẩm chưa một lần được ăn trong đời. Nhiều trẻ chỉ cần thay đổi môi trường sống như đi du lịch, ăn thức ăn lạ… sẽ dễ bị tiêu chảy, gây ra hội chứng tiêu chảy du lịch.
Một điều đáng nói là những biểu hiện miễn dịch dị ứng thường không thể hiện ngay, mà diễn biến trong thời gian dài. Khi được giải thích bệnh là do lối sống, nhiều phụ huynh phản đối, vì từ nhỏ đứa trẻ đã có chế độ sinh hoạt đó mà không mắc bệnh.
Chính vì thế, chế độ sinh hoạt của trẻ vẫn duy trì mà không lường trước hậu quả về sau.
"Bẩn một chút không sao"
Nghe có vẻ phi lý, phản khoa học, nhưng đây là thông điệp hoàn toàn nghiêm túc được Tổ chức nhi khoa thế giới đưa ra. TS Dũng giải thích, mỗi ngày, việc chúng ta chung sống và đưa một lượng vi khuẩn nhất định vào cơ thể, tức là "bẩn một chút", thì sẽ có lợi hơn.
Nhưng như thế nào là "một chút" thì phải cân nhắc kĩ, TS Dũng nhấn mạnh, vì ranh giới giữa vi khuẩn xâm nhập có lợi và có hại là rất mỏng manh. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là ngày nay, những nỗ lực đưa trẻ đến cuộc sống vô trùng, xa rời thiên nhiên là một sai lầm nguy hiểm
(Theo CAND)