Đối với những bệnh nhân này, một chế độ ăn hợp lý cần cung cấp đủ dưỡng chất nuôi cơ thể, đồng thời không làm tăng gánh nặng cho gan. Trong dịp Tết, do bị mời ép nhiều nên không ít bệnh nhân ăn uống quá độ hoặc ăn những món không phù hợp, khiến các bệnh về gan bộc phát mạnh hơn.
|
Người bị bệnh gan không nên uống rượu |
Gan có nhiệm vụ tiết dịch tiêu hóa và lọc bỏ các chất độc ra khỏi cơ thể. Khi bị bệnh, nó không đủ sức thực hiện các chức năng trên. Nếu bệnh nhân uống rượu, hút thuốc lá và ăn quá nhiều thực phẩm giàu chất mỡ hoặc đường, gánh nặng đối với gan sẽ lớn thêm, rất nguy hiểm cho sức khỏe.
Việc thực hiện chế độ ăn nghiêm ngặt có ý nghĩa quan trọng đối với những người có bệnh gan mạn tính và lan tỏa (nghĩa là toàn bộ gan bị tổn thương) như:
- Viêm gan do virus: Ngay cả khi không phát bệnh, người nhiễm virus viêm gan vẫn phải cẩn thận, vì sự quá chén có thể tạo điều kiện cho virus đột phá, gây viêm gan.
- Gan nhiễm mỡ: Thường gặp ở người nghiện rượu, tăng đường huyết hoặc mỡ máu. Những bệnh này thường là hậu quả của việc ăn uống quá nhiều chất bổ dưỡng.
- Viêm gan mạn tính, xơ gan.
Trường hợp mắc các bệnh gan có tính khu trú (như áp xe gan đã khỏi hoàn toàn, các u mạch và nang gan...) không cần quá kiêng cữ trong ăn uống vì các chứng này không làm thay đổi chức năng gan.
Đối với người có bệnh gan mạn tính, lan tỏa, điều cần lưu ý đầu tiên trong ngày Tết là phải tiếp tục duy trì việc kiêng rượu, nhất là các loại rượu nặng. Không nên vì cả nể hoặc ham vui mà quên mất bệnh tật của mình. Đối với rượu vang hay bia, có thể dùng để khai vị nhưng không nên uống nhiều (tối đa 1 lon bia hoặc 1-2 chén nhỏ rượu vang mỗi ngày), cũng không nên uống đều đặn tất cả các ngày.
Các món ăn giàu mỡ - vốn rất nhiều trong dịp Tết - cũng không có lợi cho người mắc bệnh gan. Những người đã và đang bị phù (hoặc cổ trướng) vẫn phải tiếp tục ăn nhạt.
Bánh kẹo ngọt cũng là loại thực phẩm mà những người bị tăng đường huyết hoặc gan nhiễm mỡ cần hạn chế, không ăn quá lượng kẹo đã được thầy thuốc quy định. Đối với người bị tăng đường huyết, để không làm giảm khẩu vị, có thể dùng các chất tạo ngọt không sinh năng lượng để cho vào cà phê, nước hoa quả và các thức ăn, đồ uống khác.
Cần bảo đảm đủ 50-60 g đạm mỗi ngày từ nguồn động vật (thịt bò, thịt lợn nạc, thịt gà vịt bỏ da, tôm cá) và thực vật. Tuy nhiên, không nên ăn quá nhiều đạm vì lá gan bị bệnh sẽ không đủ khả năng chuyển hóa hết các chất này, gây khó tiêu và đầy bụng. Lượng amôniắc (chuyển hóa từ đạm) không được gan xử lý hết sẽ biến thành urê, gây tác hại cho cơ thể.
Ngoài ra, bệnh nhân gan phải cẩn thận hơn người bình thường trong việc giữ vệ sinh an toàn thực phẩm trong ngày Tết. Ở những người bị viêm gan mạn tính đang ổn định, các chứng tiêu chảy và ngộ độc thức ăn có thể gây ra một đợt tiến triển, có khi rất nặng. Những rối loạn về tiêu hóa cũng có thể làm cho bệnh xơ gan trở nên nặng hơn, gây phù hoặc cổ trướng.
GS Nguyễn Xuân Huyên // Sức Khỏe & Đời Sống