Viêm gan siêu vi là bệnh truyền nhiễm do nhiều loại siêu vi có ái tính với tế bào gan gây ra. Hiện nay có các loại siêu vi gây viêm gan: A, B, C, D, E, F và G...
Ở đây chúng ta cần phân biệt người lành mang siêu vi và viêm gan siêu vi:
|
Hình virut viêm gan siêu vi |
- Người lành mang siêu vi: là khi cơ thể bị nhiễm 1 hay nhiều siêu vi gây viêm gan kể trên, phát hiện tình cờ qua xét nghiệm các chỉ điểm của siêu vi; trong khi các xét nghiệm về chức năng gan và siêu âm gan đều trong giới hạn bình thường với 2 lần xét nghiệm cách nhau 3 đến 6 tháng. Ở Việt Nam hiện có 15 - 20 % dân số mang siêu vi B và 6,1 % mang siêu vi C. Điều đáng lưu ý là những người lành mang siêu vi vẫn có thể lây truyền bệnh cho người khác.
- Viêm gan siêu vi: là khi cơ thể bị nhiễm 1 hay nhiều siêu vi gây viêm gan kể trên đồng thời có sự thay đổi về chức năng gan và siêu âm gan cho dù có biểu hiện triệu chứng lâm sàng hay không. Nếu viêm gan siêu vi kéo dài quá 6 tháng tức là viêm gan đã diễn tiến thành mạn tính, có thể gặp ở viêm gan siêu vi B, C, D, F và G. Biến chứng đáng sợ nhất của viêm gan siêu vi mạn tính là xơ gan và ung thư gan nguyên phát (20 % viêm gan siêu vi mạn sẽ diễn tiến đến xơ gan và có 2,5 % mỗi năm những bệnh nhân xơ gan sẽ có nguy cơ bị ung thư gan)
Làm sao để nhận biết có bệnh ?
Đa số những người bị nhiễm siêu vi, thậm chí đã bị viêm gan siêu vi tiến triển nhưng vẫn không hề hay biết mình bị bệnh vì viêm gan siêu vi có thể diễn tiến âm thầm không triệu chứng hay biểu hiện với các triệu chứng không đặc hiệu như sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nôn ói... Chỉ một số ít có triệu chứng điển hình: vàng da, vàng mắt, đau âm ỉ ở hạ sườn phải, tiểu ít và sậm màu...
Tùy theo loại siêu vi, viêm gan có thể hồi phục hoàn toàn hay diễn tiến thành mạn tính, một số có thể phát triển thành viêm gan tối cấp với tỉ lệ tử vong lên đến 90%.
Để xác định mình có bị viêm gan siêu vi hay không hoặc có là người lành mang siêu vi hay không, cách tốt nhất là đến khám chuyên khoa gan, nhất là những người có người thân đã được phát hiện bị viêm gan siêu vi hay là người lành mang siêu vi. Một số xét nghiệm có thể góp phần chẩn đoán bệnh viêm gan siêu vi:
- Chỉ điểm siêu vi: A, B, C, D, E, F và G.
- Xét nghiệm đánh giá chức năng gan: SGOT, SGPT, gGT
- Siêu âm gan.
Hướng theo dõi và điều trị hiện nay
1/ Người lành mang siêu vi: thường không cần điều trị, chỉ nên theo dõi định kỳ 6 tháng / lần. Lưu ý là những người này vẫn có khả nang lây truyền siêu vi cho người khác, nên có những biện pháp phòng ngừa thích hợp.
2/ Viêm gan siêu vi:
- Chủ yếu là nâng cao thể trạng và điều trị triệu chứng.
- Một số thuốc đặc trị hiện đang được sử dụng: Lamivudine, Adefovir Dipivoxil, Emtricitabine (FTC), Tenofovir Disoproxil Fumarate, Entecavir, Per-interferon… với viêm gan siêu vi B; Ribavirin, Per-interferon… với viêm gan siêu vi C.
Cách phòng bệnh
- Siêu vi A và E lây truyền chủ yếu qua đường ăn uống. Do đó, để phòng bệnh chủ yếu là giữ vệ sinh ăn uống. Hiện đã có vaccine phòng siêu vi A.
- Siêu vi B có mức độ lây nhiễm cao rất cao (cao hơn Siêu vi C gấp 10 lần và hơn HIV gấp 100 lần), chủ yếu qua 3 đường chính:
1- Đường máu.
2- Quan hệ tình dục không an toàn.
3- Mẹ bị bệnh lây truyền sang cho con.
Tuy nhiên, khoảng 40% bệnh nhân không ghi nhận được đường lây rõ rệt. Do đó, để phòng bệnh viêm gan B tốt nhất là nên tiêm ngừa cho người chưa nhiễm bệnh và trẻ sau sinh càng sớm càng tốt.
- Siêu vi D có đường lây truyền giống với siêu vi B, siêu vi F hiện được xem là một biến thể của siêu vi B. Do đó, để phòng bệnh, biện pháp chủ yếu là kiểm soát đường lây truyền của siêu vi B.
- Siêu vi C lây truyền chủ yếu qua đường máu, ngoài ra cũng có thể qua đường tình dục và từ mẹ sang con, hiện chưa có vaccine phòng bệnh.
- Siêu vi G lây truyền qua đường ăn uống lẫn đường máu, hiện vẫn chưa có vaccine phòng bệnh.
Theo BS. Phạm Thị Bích Thủy
Thông tin được cung cấp bởi Bệnh Viện Hoàn Mỹ