Không có kế hoạch làm việc cụ thể, liên tục muộn giờ, luôn nhờ bạn gửi lại email cũ, không bao giờ tìm được giấy tờ đã lưu trữ,... là những biểu hiện của một người sếp không có tổ chức. Điều này sẽ khiến bạn bực mình vì công việc trở nên khó khăn gấp đôi, thậm chí còn làm chậm tiến độ chung của cả nhóm. Bạn phải làm gì khi sếp đang vô tình “phá hoại” công việc của bạn và những người khác? Nếu không thay đổi được sếp thì bạn nên áp dụng một số “tuyệt chiêu” sau để làm việc với sếp hiệu quả hơn nhé.
5 lí do bạn không đạt được mục tiêu của mình
- Cập nhật : 24/01/2019
Cho dù là việc học hành, phát triển sự nghiệp hoặc bất cứ mục tiêu cá nhân nào thì việc không đạt được mục tiêu chưa bao giờ là dễ chịu. Khi đó bạn dễ dàng đỗ lỗi cho các yếu tố ngoài tầm kiểm soát, tuy nhiên việc hiểu được các rào cản là chìa khóa để đạt được đích đến đó trong lần tiếp theo. Hãy cùng tham khảo 5 lí do khiến bạn trở thành “kẻ thua trận” và những gì bạn có thể làm để xoay chuyển tình thế để có được thành công nhé!
Tìm kiếm thông tin việc làm uy tín tại careerlink.vn
Chỉ nghĩ về các mục tiêu lớn, lâu dài
Nếu chỉ chú trọng vào các mục tiêu lớn mà bỏ qua những thành công nhỏ đạt được, vậy thì làm sao bạn có thể có động lực để tiến về phía trước? Do đó, hãy đặt các mục tiêu ngắn hạn, có thể đo lường được. Bằng cách theo dõi được từng bước tiến bộ thực sự của mình, bạn sẽ được thúc đẩy để đạt các mục tiêu lớn hơn. Điều này không chỉ giúp bạn giảm bớt áp lực mà còn mang đến cho bạn cảm giác “đạt được” mỗi khi hoàn thành.
Nếu chỉ chú trọng vào các mục tiêu lớn mà bỏ qua những thành công nhỏ đạt được, vậy thì làm sao bạn có thể có động lực để tiến về phía trước?
Sợ thất bại
Rất nhiều mục tiêu có vẻ quá khó để đạt được và khi rơi vào tình huống này mọi người thường tìm cách để “chạy trốn”: thực hiện các mục tiêu dễ dàng hơn như xem phim hoặc đi ngủ với suy nghĩ rằng nếu không cố gắng thì sẽ không thất bại. Thế nhưng, điều này cũng đồng nghĩa với việc không có điều gì được hoàn thành cả. Và không chỉ nỗi sợ thất bại khiến bạn mất động lực mà đôi khi còn do bạn sợ thành công. Bởi mặc dù sự thăng tiến đó có thể là giấc mơ của bạn nhưng nó cũng có nghĩa rằng những phần khác trong cuộc sống của bạn sẽ thay đổi.
Trưởng phòng Nhân sự CareerLink chia sẻ, thay vì xem khả năng thất bại (hoặc thành công) là rào cản, hãy xem nó là một phần trong hành trình của bạn và tập trung vào các thành tựu nhỏ để giúp bạn tự tin vững bước. Rốt cuộc, nếu bạn không thất bại thì bạn sẽ không bao giờ học được điều gì cả.
Không biết những gì bản thân muốn
Đôi lúc không phải do bạn thiếu kiên nhẫn hoặc năng lực kém mà có thể do bạn mơ hồ về tất cả mọi thứ. Chẳng hạn, có thể một trong những mục tiêu của bạn là kiếm được một công việc tốt nhưng bạn lại mơ hồ liệu mình có đủ điều kiện hoặc không nắm rõ cách để xin việc, chuẩn bị cho buổi phỏng vấn...
Để có được hướng đi rõ ràng, hãy tự hỏi mình: Thế nào là một công việc tốt? Có phải bạn muốn có một mức lương cao hơn? Việc đi lại dễ dàng hơn? Giờ làm việc linh hoạt hơn? Dù đang tìm kiếm điều gì, hãy sử dụng từng yếu tố nhỏ đó để xây dựng mục tiêu cụ thể hơn. Khi biết chính xác những gì bạn muốn hướng tới, bạn có nhiều khả năng theo đuổi nó hơn.
Cố gắng làm nhiều thứ cùng một lúc
Tranh thủ để giải quyết tất cả các mục tiêu của bạn cùng một lúc sẽ không bao giờ mang lại kết quả tốt đẹp. Bạn có thể cảm thấy như mình đang làm việc hiệu quả nhưng cuối cùng bạn sẽ bị quá tải hoặc nản lòng trước khối lượng công việc quá nặng nề. Vì vậy, bạn cần sắp xếp ưu tiên các mục tiêu (dựa trên tầm quan trọng, thời gian) và thực hiện từng mục tiêu một. Sau đó, đừng quên theo dõi tiến trình của bạn, nhiều mục tiêu có thể thất bại nếu bạn bỏ quên chúng chỉ sau 1 tuần.
Từ bỏ quá sớm
Trong quá trình làm việc để đạt được mục tiêu lớn hay học một điều gì đó mới mẻ, bạn có thể mất đi sự kiên nhẫn và nếu không nhìn thấy kết quả ngay lập tức, bạn sẽ dễ dàng từ bỏ. Nhưng trước khi ngừng cố gắng, bạn cần đánh giá lại mục tiêu của mình có thực tế không, có đo lường được không, bạn có đang theo dõi những gì thực hiện... Nếu không cân nhắc bất cứ điều gì trong số này, bạn có thể thấy rằng mình đã từ bỏ trước khi có cơ hội đạt được chúng.
Và nếu bạn vẫn còn đang “vật lộn”, có lẽ bạn không thực sự muốn làm điều đó. Đôi khi các mục tiêu bị ảnh hưởng bởi những người khác hoặc đó là điều bạn nghĩ mình nên làm nhưng chúng không thực sự là điều bạn muốn làm. Hãy tìm kiếm những điều khiến bạn hạnh phúc và bạn sẽ có nhiều khả năng thành công hơn.
Trung Thành