Hỏi: Nhiều năm nay tôi thường bị chứng đau nhức khắp cơ thể, lúc thì đau cổ đau vai, đau lưng, lúc đau khớp, đau bắp thịt, nhiều lúc mệt mỏi khó chịu, ăn uống kém ngon. Đã đi khám và điều trị nhiều nơi, uống đủ thuốc Tây, Nam, Bắc, châm cứu,… nhưng chứng nào vẫn tật ấy. Không nơi nào có chẩn đoán bệnh rõ ràng. Xét nghiệm, siêu âm đều bình thường. Bác sỹ có thể giúp cho biết tôi bị bệnh gì?
(Nguyễn Văn Khánh, xã An Hòa, huyện Tuy An)
Trả lời: Chứng bệnh như bác mô tả, không phải ít gặp, y học tạm xếp vào nhóm bệnh gọi là “phong thấp”, như cách nói thông thường, là bệnh đau lung tung, nhiều lúc như giả đò. Bác có thể xem mô tả sau đây có ứng với bệnh của bác không.
Hội chứng này bao gồm đau cơ, gân, sợi gân và các mô liên kết, khớp. Đặc điểm là các cơ đau không bị yếu đi, các khớp đau không bị thay đổi về cấu trúc, bệnh không gây tàn tật. Cùng với đau, người bệnh còn có thể bị mệt mỏi, khó ngủ, nhức đầu, tê tay tê chân, ăn uống khó tiêu và nhạy cảm với thời tiết lạnh, ẩm và với cả tình trạng căng thẳng.
Về tính chất, đau có thể âm ỉ, dai dẵng, lúc nhưbị gậm nhấm, lúc lại lói như bị chích, hoặc rát như phỏng lửa. Mức độ đau từ nhẹ (chịu được), tới nhiều (không thể chịu được), thời gian có thể kéo dài vài ba tháng. Các điểm đau thường gặp: hai bên cổ, vai, ngực, lồng ngực, thắt lưng, đùi, đầu gối và cùi chỏ. Các điểm đau có thể tự nhiên hay ấn vào mới đau. Khi ấn vào các điểm đau, có thể chỉ đau chỗ ấn hoặc lan tỏa ra các vùng lân cận. Khi thức dậy thường toàn thân đau và cứng đờ.
Với những trường hợp có chứng đau như vậy, sau khi thăm khám người bệnh đầy đủ, làm các xét nghiệm cận lâm sàng (máu, phân, nước tiểu), chụp phim, siêu âm, đều không phát hiện bất kỳ một tổn thương, bệnh lý ở cơ quan, bộ phận nào; thì có thể chẩn đoán là bệnh “phong thấp”.
Nguyên nhân vẫn chưa được rõ, các bác sỹ chuyên khoa chỉ mới giả thuyết, bao gồm: chấn thương (kể cả về mặt tâm lý), nhiễm siêu vi trùng, di truyền, rối loạn tuần hoàn khu trú (giảm lượng máu ở vùng nhận cảm đau ở não).
Vì nguyên nhân chưa được rõ, nên các phương án điều trị cũng đang được nghiên cứu:
- Dùng thuốc chống trầm cảm để tăng lưu lượng máu ở não, và/ hoặc chích thuốc vào dây cột sống để chặn sự phóng đại các thông tin.
- Hạn chế các tình trạng căng thẳng, ngủ đủ giấc. Ăn ít thịt, nhiều rau qủa và uống nhiều nước.
Tập thể dục hay đi bộ, bơi lội, tập dưỡng sinh, thư giãn gân cốt. Nếu được, có thể tập thiền, đó là cách thư giãn, dưỡng thần, xác tốt nhất. Nếu biết thiền đều đặn, tinh thần sẽ bớt căng thẳng, hoạt động cơ thể được điều hòa, huyết áp ổn định, giảm cảm giác đau. Nếu không thiền được, có thể cầu nguyện tùy theo tín ngưỡng, vì người ta cũng thấy tỷ lệ khỏi bệnh ở người có cầu nguyện cao hơn ở người không cầu nguyện.
Tóm lại với kiểu đau không rõ ràng, kéo dài, người bệnh cần hợp tác với bác sỹ đoán ra nguồn gốc bệnh của mình, tự nghiệm rồi cùng bác sỹ tìm ra phương án điều trị tốt nhất.
BS ĐOÀN VĂN HẢI