Hỏi: Tôi bị bệnh đi khám được chẩn đoán là bệnh tiểu đường, không biết thuộc loại I hay loại II. Loại nào thì nặng hơn. Bị tiểu đường nhưng sao thử nước tiểu không có đường, thử máu nói là bị bệnh. Bác sỹ còn bảo phải thử thêm xét nghiệm HbA 1C, không biết có ý nghĩa gì.
(Trần Thị Mỹ Hoa, xã Hòa Vinh, huyện Đông Hòa)
Trả lời: Bệnh tiểu đường hay đái đường, vì chẩn đoán dựa vào việc xác định có đường trong nước tiểu. Hiện nay chẩn đoán như vậy không còn đúng nữa, vì chỉ khi nào lượng trong máu cao hơn 180mg/dl, thì đường mới theo nước tiểu ra ngoài. Do đó đúng ra phải gọi đây là bệnh đường huyết cao.
Bình thường lượng đường huyết trong máu đo vào buổi sáng lúc chưa ăn ở trong khoảng 80-100mg/dl. Mức từ 105-126mg/dl là có nguy cơ (không dung nạp đường), mức trên 126mg/dl là bị bệnh đái đường. Trong thực tế có gặp những trường hợp bệnh có lượng đường máu gần 200mg/dl nhưng thử nước tiểu vẫn không có đường; trái lại cũng có trường hợp lượng đường máu dưới 100mg/dl, nhưng nước tiểu lại có đường.
Người ta phân biệt bệnh thành 2 loại (týp);
- Bệnh tiểu đường týp I, trước kia gọi là bệnh tiểu đường phụ thuộc insulin, khi tế bào của tụy tạng không có khả năng tiết ra insulin (loại hóc môn điều hòa đường huyết), người bệnh cần tiêm insulin từ bên ngoài vào cơ thể hằng ngày.
- Bệnh tiểu đường týp II, trước kia gọi là bệnh tiểu đường không phụ thuộc insulin, tuỵ tạng còn sản xuất được insulin, bệnh nhân có thể dùng thuốc uống. Có trường hợp bệnh nhân chỉ cần hạn chế ăn các chất bột đường, ăn kiêng để giảm cân (ở người béo) cũng đã kiểm soát được lượng đường máu. Tuy nhiên có trường hợp cũng phải tiêm insulin.
Bệnh nặng nhẹ tùy thuộc cơ địa mỗi người và khả năng tuân thủ chế độ điều trị. Tiểu đường týp I thường khởi phát từ lúc tuổi còn trẻ, phải điều trị bằng tiêm insulin hằng ngày nên phiền phức hơn và tốn kém nhiều hơn; cũng vì vậy nhiều người không tuân thủ được nghiêm ngặt chế độ điều trị, dễ tiến triển xấu, nhiều biến chứng. Với tiểu đường týp II, nhiều người bệnh không có biểu hiện triệu chứng bên ngoài nên cũng dễ chủ quan, không tuân thủ chế độ điều trị cũng dễ dẫn đến các biến chứng.
Xét nghiệm HbA 1C đo lượng hemoglobin (huyết sắc tố trong hồng cầu) kết hợp với glucose, goị là Glycosylated hemoglobin. Vì hồng cầu sống khoảng 100 ngày, nên kết qủa cho biết lượng glucose trong máu trong 100 ngày trước khoảng bao nhiêu, không phụ thuộc khi người bệnh ăn hay nhịn đói. Như vậy cũng có thể biết được người bệnh trước đó có dùng thuốc đúng yêu cầu không.
BS ĐOÀN VĂN HẢI