Hỏi: … Tuổi 40, có khối u ở ngực, cảm giác căng tức, hơi đau, đi khám ở thành phố HCM thấy ghi bị xơ nang tuyến vú, cho một số thuốc, về xem lại thấy trong đó có thuốc điều trị ung thư, uống có đỡ, giờ bị đau lại, có phải em đã bị ung thư. Em nên khám và điều trị thêm như thế nào?
(Phan Thị Thu Lan, phường Phú Lâm, TP. Tuy Hòa)
Trả lời: Xơ nang tuyến vú, còn gọi là thay đổi sợi bọc tuyến vú, không phải là ung thư. Đó chỉ là hiện tượng thường gặp dưới ảnh hưởng của nội tiết tố nữ ở phụ nữ từ 30 đến 50 tuổi. Kết qủa nhiều nghiên cứu cho biết trên 60% các u vú phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ không phải là ung thư; trên 90% phụ nữ tuổi tiền mãn kinh có xơ nang tuyến vú và được xem là một biểu hiện của qúa trình lão hóa.
Tuy nhiên xơ nang tuyến vú thường bị nhầm với ung thư vì cũng xuất hiện những cục “bướu” và thường xảy ra ở độ tuổi phụ nữ dễ bị ung thư nhất. Hiện nay với các phương tiện chẩn đoán như siêu âm, chụp nhũ ảnh, chọc hút tế bào bằng kim nhỏ, sinh thiết và kinh nghiệm của bác sỹ chuyên khoa thì khả năng chẩn đoán nhầm rất thấp.
Trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt, dưới tác động của nội tiết tố nữ, mô tuyến vú giãn nở, giữ nước lại và căng lên, những vùng có mật độ chắc hơn bình thường sẽ cho cảm giác như “bướu”. Sau khi hành kinh, cảm giác này giảm dần rồi trở lại bình thường. Qua các chu kỳ kinh nguyệt, sự kích thích lặp đi lặp lại làm cho mô vú trở nên chắc và hình thành các nang nhỏ chứa dịch trên các ống sữa bị tắc hoặc bị giãn, tạo thành những cục “bướu’ hoặc những mảng chắc, những cục nhỏ rải rác khắp 2 vú.
Xơ nang tuyến thường có ở cả 2 vú, nhất là phía trên ngoài và phần dưới vú. Ở phụ nữ tiền mãn kinh, các nang bị xơ có thể to lên và gây cảm giác khó chịu như bị căng tức, rất nhạy cảm khi sờ vào, có cảm giác nóng bỏng và đau lăn tăn, có khi đau nhiều, nhưng sau khi mãn kinh hiện tượng này thường giảm dần và mất đi. Một số trường hợp, xơ nang tuyến vú phát triển thành nang to tròn, chắc, di động, chứa dịch loãng trắng đục, tạo cảm giác căng khi ấn lên và đau khi khám. Cảm giác căng và đau thường tăng và giảm trước và sau khi hành kinh khoảng 1 tuần. Loại nang này thường biến mất sau vài lần hút dịch hoặc sau khi mãn kinh và không chuyển sang ung thư.
Điều trị thông thường là cho thuốc làm giảm cảm giác đau, khó chịu tại chỗ bằng các thuốc giảm đau, vitamin E. Có thể chườm nóng tại chỗ, tránh dùng các chất kích thích như cà phê, trà đậm, sôcôla, nước uống có ga. Nên định kỳ khám theo dõi 6 tháng 1 lần. Trường hợp của em có thể đi khám lại, làm siêu âm, xét nghiệm chọc hút bằng kim nhỏ, nếu chẩn đóan chưa rõ, bác sỹ có thể cho làm thêm sinh thiết.
BS ĐOÀN VĂN HẢI