Xơ vữa động mạch là hậu quả của sự lắng đọng mỡ lên thành động mạch phối hợp bởi các yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho sự lắng đọng mỡ như tăng huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc lá, ít vận động thể lực v.v...
Sự tích tụ cứ diễn tiến tăng thêm mãi tạo thành mảng xơ vữa, thành mạch trở nên giòn và yếu ớt, và bất cứ một áp lực nào làm căng thành mạch đều có thể gây nên những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não gây tai biến mạch máu não v.v...
Cho đến nay, dù chưa rõ đâu là nguyên nhân chủ yếu, nhưng người ta biết được khá tường tận về một số các yếu tố thường xuyên có mặt, cũng như có mối liên quan chặt chẽ nhau trong cơ chế bệnh sinh, trong tần suất mắc bệnh và tỷ lệ tử vong, trong việc gây ra các biến chứng... nên gọi đó là các yếu tố nguy cơ gây nên xơ vữa động mạch, bao gồm:
(1) Hút thuốc lá
Hút thuốc lá làm tăng sinh các gốc tự do, gây thay đổi cấu trúc nội mạc mạch máu làm tiền đề cho các mỡ xấu bám vào thành mạch. Mối liên hệ giữa hút thuốc lá và nguy cơ tim mạch đã được xác định từ năm 1964 và đến năm 1989, các nghiên cứu cho thấy hút thuốc lá gây tăng 50% tử vong bệnh tim mạch, và không bỏ thuốc lá sau khi đã bị nhồi máu cơ tim, có nguy cơ tử vong và nhồi máu cơ tim tái phát tăng lên rất cao, mức tử vong có thể lên đến 47%.
(2) Tăng huyết áp
Theo ước tính, mức tăng 5mmHg của huyết áp tâm trương kéo dài, nguy cơ đột quỵ tăng 34% và nguy cơ nhồi máu cơ tim tăng 21%. Các thử nghiệm cũng cho thấy, điều trị tăng huyết áp tốt, nguy cơ đột quỵ và tai biến mạch máu não giảm rất có ý nghĩa.
(3) Rối loạn mỡ máu (Tăng Cholesterol, LDL và Triglycerid, giảm HDL)
Tăng cholesterol toàn phần và tăng mỡ xấu (cholesterol LDL) trong máu làm tăng tử vong do bệnh động mạch vành. Nếu LDL tăng 1%, nguy cơ bệnh mạch vành tăng 2 – 3%. Nhiều thử nghiệm lâm sàng cho thấy hạ được thành phần mỡ toàn phần và mỡ xấu trong máu, và tăng mỡ tốt sẽ mang lại lợi ích rất lớn trong phòng ngừa bệnh mạch vành.
(4) Đái tháo đường
Lượng đường cao thường xuyên trong máu, sẽ gây biến chứng mạch máu nhỏ và mạch máu lớn. Biến chứng mạch máu nhỏ gây mờ mắt, suy thận, hoại tử chi do tắt động mạch ngoại vi, tê bì thần kinh... Các biến chứng mạch máu lớn thực chất là tổn thương xơ vữa động mạch.
(5) Tuổi cao
Đây là yếu tố nguy cơ không thay đổi được, qua nghiên cứu người ta thấy rằng dưới 55 tuổi, bệnh mạch vành ở nam nhiều gấp 3 – 4 lần so với nữ, sau 55 tuổi tần suất bệnh động mạch vành tăng chậm ở nam nhưng tăng nhanh hơn ở nữ, đến 75 tuổi trở lên tần suất bệnh mạch vành ở nam và nữ ngang nhau.
(6) Béo phì
Béo phì thường đi kèm với những yếu tố khác như tăng huyết áp, tăng mỡ máu, rối loạn dung nạp đường... Thông điệp đưa ra là ngừa béo phì và giảm cân ở người thừa cân là những phần không thể thiếu của chiến lược dài hạn phòng chống bệnh động mạch vành.
(7) Ít vận động thể lực
Những nghiên cứu cho thấy vận động thể lực thường xuyên có tác động rõ rệt trên các yếu tố nguy cơ tim mạch như giảm cân đáng kể, giảm hút thuốc, giảm đường huyết và tăng lượng mỡ tốt cho cơ thể.
(8) Có tiền sử gia đình mắc bệnh động mạch vành sớm
Đây là yếu tố nguy cơ không thay đổi được, nếu được biết có yếu tố nguy cơ này, cần theo dõi chặt chẽ tình trạng mỡ trong máu, điều trị tích cực các bệnh chuyển hóa để phòng ngừa xơ vữa động mạch.
(9) Các yếu tố tâm lý xã hội
Một số yếu tố như thái độ thù địch, căng thẳng thường xuyên, trầm cảm và sự cô lập về mặt xã hội có giá trị dự báo nguy cơ mắc bệnh động mạch vành.
Tóm lại, dựa trên phân tích các yếu tố nguy cơ nêu trên, có thể thấy rằng tăng lượng mỡ xấu trong máu là yếu tố đầu tiên, phối hợp với điều kiện có tổn thương cấu trúc thành mạch do hút thuốc lá, do tăng huyết áp, do đái tháo đường, đó là những yếu tố nguy cơ chủ yếu tạo nên mảng xơ vữa thành động mạch. Thừa cân, béo phì và ít vận động là điều kiện thuận lợi làm tăng nhanh sự hình thành mảng xơ vữa, đồng thời là những yếu tố cản trở việc điều trị rối loạn lipid máu. Riêng tăng huyết áp, vừa là yếu tố tác động gây tổn thương nội mạc vừa là tác nhân gây nhồi máu cơ tim, nhồi máu não...
Với những yếu tố nguy cơ nói trên, người bệnh cần ý thức và cần được sự quan tâm đầy đủ của cộng đồng, để được chăm sóc, phát hiện sớm và phòng bệnh.
PGS-TS Nguyễn Thị Bay
(Đại học Y Dược TP.HCM)
Theo báo Thanh Niên