Vừa qua, Bệnh viện (BV) Nguyễn Trãi (TP.HCM) đã triển khai một phương pháp mới trong điều trị rối loạn nhịp tim - phương pháp điện sinh lý học can thiệp.
Kỹ thuật khó
Vì là kỹ thuật khó, lần đầu áp dụng, nên hai ca chữa trị đầu tiên bằng phương pháp điện sinh lý học can thiệp tại BV Nguyễn Trãi (TP.HCM) có sự hỗ trợ chuyên môn từ các bác sĩ của Viện Tim mạch VN (BV Bạch Mai, Hà Nội). Hai bệnh nhân gồm: L.T.K.Q (48 tuổi) bị hội chứng W.P.W (Wolf Parkinson White - là một trong những bệnh lý thuộc rối loạn nhịp tim). Căn bệnh làm cho bà Q. hay bị hồi hộp, đánh trống ngực, mệt..., và bệnh nhân H.Đ.V (75 tuổi) bị bệnh cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất, biểu hiện các triệu chứng: tim đập nhanh, thường bị hồi hộp...
Tiến sĩ Phạm Quốc Khánh - Phó chủ tịch Hội Tim mạch can thiệp VN - người tham gia hỗ trợ kỹ thuật cho các bác sĩ khoa Tim mạch của BV Nguyễn Trãi để thực hiện những ca đầu tiên, trình bày về phương pháp chữa trị này như sau: Phương pháp điện sinh lý học can thiệp được áp dụng lần đầu tiên tại Mỹ trên một bệnh nhân mắc hội chứng W.P.W (W.P.W là hội chứng bẩm sinh, có thể xảy ra ở mọi đối tượng, nó gây ra các cơn nhịp tim rất nhanh, nếu để lâu có thể dẫn đến suy tim, và có thể gây đột tử). Sau đó phương pháp này được áp dụng tại các nước châu Âu, rồi qua châu Á...
Còn tại VN, phương pháp này được áp dụng lần đầu ở Viện Tim mạch VN (BV Bạch Mai, Hà Nội), cũng trên một bệnh nhân mắc hội chứng W.P.W. Vì đây là một kỹ thuật rất khó, phức tạp trong số những kỹ thuật can thiệp tim mạch học, khó hơn cả kỹ thuật đặt Stent nong mạch vành, đòi hỏi bác sĩ phải nắm vững về lý thuyết lẫn kỹ thuật, nên chưa được nhiều BV trong nước triển khai rộng rãi. Đến nay, hiện có hai BV thuộc Bộ Y tế là Bạch Mai và Thống Nhất cùng BV Nguyễn Trãi (thuộc Sở Y tế, TP.HCM) áp dụng phương pháp này.
Lập bản đồ điện học nội mạc của tim
Để điều trị những bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim bằng phương pháp điện sinh lý học can thiệp, bác sĩ sẽ đưa các điện cực vào trong buồng tim người bệnh, đo các hoạt động điện trong buồng tim dựa trên mối tương quan của các hoạt động điện ở buồng tim để lập nên bản đồ điện học nội mạc của tim, nhờ đó sẽ xác định chính xác những vị trí bất thường ở tim, mà nó gây nên tình trạng rối loạn nhịp tim.
Khi đó, bác sĩ sẽ sử dụng sóng radio thông qua đầu các điện cực trong buồng tim để triệt bỏ những vị trí bất thường đó - nguyên tắc điều trị của phương pháp này là như thế. Theo tiến sĩ Phạm Quốc Khánh, phương pháp này không cần gây mê, mà chỉ gây tê tại chỗ (người bệnh vẫn tỉnh táo trong lúc bác sĩ thao tác), và chỉ cần điều trị một lần duy nhất, mỗi lần bình quân vài giờ đồng hồ, tỷ lệ thành công của phương pháp điện sinh lý học can thiệp trong điều trị loạn nhịp rất cao. Nếu điều trị bằng phương pháp điện sinh lý học can thiệp thất bại, thì người bệnh cần phải được chuyển qua điều trị nội như trước.
Điện sinh lý học can thiệp không áp dụng được cho những bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim có kèm theo bệnh lý nặng khác; đồng thời cũng có một tỷ lệ tai biến, nhưng rất nhỏ, thống kê cho thấy, tỷ lệ tai biến của phương pháp điện sinh lý học can thiệp chỉ bằng 1/20 so với phương pháp chữa trị bằng thuốc.
Theo Thanh niên