Mỗi năm, tai biến mạch máu não (còn gọi là đột qụy) ảnh hưởng tới hàng trăm ngàn người và để lại di chứng nghiêm trọng. Bệnh thường gặp ở những người xơ vữa động mạch, tăng huyết áp.
Nguyên nhân và triệu chứng
Tai biến mạch máu não xuất hiện khi mạch máu cung cấp ôxy và các chất dinh dưỡng cho phần mô não bị tắc nghẽn hay vỡ.
Khi xảy ra, bệnh nhân không cảm thấy đau đớn, không gọi được người xung quanh giúp đỡ. Biểu hiện của đột qụy là lú lẫn, hôn mê. Ngoài ra có thể có nhức đầu, nôn ói hoặc co giật. Tai biến thường để lại di chứng nặng nề nếu không được phát hiện và điều trị đúng.
Ở người bị đột quỵ, cục máu nghẽn đã làm tắc mạch máu và khiến cho máu không
lưu thông lên não được, có thể gây ra tử vong. (Nguồn: FamilyDoctor)
Xử lý với người bị đột qụy
Đỡ người bệnh để không bị té ngã. Nếu nôn ói, móc hết đờm nhớt cho bệnh nhân dễ thở. Nếu người bệnh lơ mơ: Kiểm tra mạch, nhịp thở, đặt bệnh nhân ở tư thế nằm nghiêng bên không liệt, đầu nâng nhẹ. Nếu bệnh nhân hôn mê cũng xử trí như trên. Kiểm tra nếu không thấy mạch đập hoặc ngừng thở, tiến hành hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực theo tỷ lệ 1: 5.
Không tự ý cho uống thuốc, nhỏ thuốc hạ huyết áp hay bất kỳ loại thuốc khác.
Không cạo gió.
Gọi xe đưa ngay người bệnh đến bệnh viện gần nhất, càng nhanh càng tốt.
Cách phòng bệnh
Tai biến mạch máu não dù điều trị tích cực cũng dễ để lại di chứng nặng nề. Vì vậy phải điều trị các nguyên nhân gây tai biến. Bệnh nhân tránh căng thẳng thần kinh, không uống rượu bia, không hút thuốc lá. Nếu thấy có triệu chứng đau đầu, chóng mặt, khó ở, mệt không có nguyên nhân cần khám tại cơ sở y tế.
Người đã bị tai biến mạch máu não có nhiều nguy cơ tái phát. Do đó phải chú ý điều trị tích cực để phòng ngừa tái phát. Cụ thể là làm việc nhẹ nhàng, không ăn nhiều mỡ, chất ngọt, đường, không ăn quá mặn, ăn nhiều rau củ quả. Bên cạnh đó, tăng cường vận động tại nhà hoặc tập vật lý trị liệu. Uống thuốc theo đơn và tái khám đúng hẹn.
Theo Sức khỏe & Đời sống