Bệnh trĩ khá phổ biến trong cộng đồng, là một căn bệnh liên quan đến tiêu hóa và những bộ phận kín của cơ thể nên người bị bệnh thường ngại đi khám ngay từ đầu, mà thường để bệnh tiến triển nặng mới chạy chữa khiến việc điều trị khó khăn hơn nhiều. Một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh trĩ là do táo bón kéo dài.
Bệnh trĩ khá phổ biến trong cộng đồng, là một căn bệnh liên quan đến tiêu hóa và những bộ phận kín của cơ thể nên người bị bệnh thường ngại đi khám ngay từ đầu, mà thường để bệnh tiến triển nặng mới chạy chữa khiến việc điều trị khó khăn hơn nhiều. Một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh trĩ là do táo bón kéo dài.
Nói chung trong cuộc đời ai cũng có vài ba lần bị táo bón. Táo bón chỉ là một triệu chứng chứ không phải là một bệnh. Thông thường táo bón nhẹ và ít thì không nguy hiểm, nhưng táo bón kéo dài là nguyên nhân gây bệnh trĩ. Bởi táo bón làm cho người bệnh khi đại tiện phải rặn mạnh làm tăng áp lực trong bụng, cản trở sự lưu thông máu trong các tĩnh mạch ở vùng hậu môn. Bệnh trĩ thường gặp ở những người làm việc nặng nhọc, phải đứng hoặc ngồi xổm lâu, lại có chế độ ăn uống không hợp lý. Kể cả tình trạng mang thai ở phụ nữ cũng là nguyên nhân gây ra bệnh trĩ. Ðôi khi do sự kiêng khem quá mức khi mang thai hoặc uống viên sắt cũng có thể gây táo bón. Cần phải uống nhiều nước và ăn nhiều rau quả tươi để chống táo bón.
Triệu chứng thường gặp ở người bệnh trĩ: Có cảm giác ngứa ngáy, đau hậu môn, chảy máu tươi khi đại tiện. Bệnh trĩ được chia làm hai loại là trĩ nội và trĩ ngoại. Nếu búi tĩnh mạch nằm trên cơ thắt hậu môn gọi là trĩ nội. Nếu búi trĩ tĩnh mạch ở dưới cơ thắt hậu môn và tụt ra ngoài có thể nhìn thấy bằng mắt thường thì gọi là trĩ ngoại. Tuy nhiên, nếu mắc trĩ nội để lâu ngày không điều trị cũng thường bị tụt xuống và sa ra ngoài làm bệnh nhân rất khó chịu do búi trĩ sưng đau, rỉ máu và rất dễ bị nhiễm trùng khi đi đại tiện. Chính vì những đặc điểm này, người bị bệnh trĩ cần phải khám ngay từ đầu để có hướng điều trị sớm bằng nội khoa giúp bảo vệ thành mạch, tăng sức bền của thành mạch, giảm phù nề, sung huyết các tĩnh mạch vùng hậu môn để giảm đau đớn cho người bệnh. Không nên để lâu dẫn đến nhiễm trùng, việc điều trị trở nên phức tạp.
Ðể phòng ngừa bệnh trĩ:
- Cần chú ý chế độ ăn uống hợp lý, tránh táo bón lâu ngày, nên ăn nhiều rau, hoa quả tươi, uống nhiều nước. Những người làm việc ở những tư thế bất lợi như phải ngồi lâu, đứng nhiều cần kết hợp nghỉ ngơi, giải lao và vận động hợp lý để ngăn chặn bệnh trĩ.
- Tập thói quen đi đại tiện ngày 1 lần vào giờ cố định.
- Khi thấy hiện tượng táo bón kèm đại tiện ra máu trĩ cần đi khám thầy thuốc nội tiêu hóa để được hướng dẫn chữa trị sớm.
Những người đã bị trĩ cần chú ý vệ sinh để phòng viêm nhiễm, hàng ngày cần rửa vùng hậu môn bằng nước muối ấm và sau mỗi lần đi đại tiện. Kể cả những người bị táo bón cũng dễ bị nứt hậu môn gây nhiễm trùng nên cũng cần vệ sinh như trên.
Tác giả: BS. Nguyễn Văn Thịnh
Nguồn: Báo sức khoẻ và đời sống