Với tiến bộ của y học, tỉ lệ tử vong do uốn ván giảm đáng kể. Tuy nhiên, việc điều trị thường phức tạp do bệnh nhân đối mặt với nhiều biến chứng như suy hô hấp, ngưng thở hay ngưng tim đột ngột, rối loạn thần kinh thực vật, xuất huyết cơ, nhiễm trùng huyết hay nhiễm trùng đường tiểu. Do những khó khăn này mà mỗi bệnh nhân phải nằm viện từ 1 - 2 tháng, tổng chi phí lên đến cả trăm triệu đồng...
|
Điều trị bệnh nhân uốn ván tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. - Ảnh: T.THỦY |
NGUY CƠ TỬ VONG CAO NẾU KHÔNG TIÊM NGỪA
Bác sĩ Nguyễn Thành Lãm (khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên) cho biết, trước đây tỉ lệ tử vong của bệnh nhân uốn ván rất cao. Hai năm nay, được trang bị máy thở, các bác sĩ điều trị áp dụng phương pháp mở khí quản sớm, cho thở máy cấp cứu nên đã cứu sống nhiều bệnh nhân. Đây là một thành công lớn trong điều trị bệnh uốn ván ở Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. Tuy nhiên, việc điều trị một ca bệnh uốn ván rất phức tạp do bệnh nhân đối mặt với nhiều biến chứng.
Cũng theo bác sĩ Lãm, uốn ván là bệnh do độc tố uốn ván tác động vào hệ thần kinh cơ, sau khi người bệnh có vết thương hở tiếp xúc với nha bào uốn ván có trong đất, môi trường xung quanh; người không được chủng ngừa uốn ván, vết thương không được xử lý tốt hoặc khi xỉa răng, ngoáy lỗ tai không vô trùng. Bệnh uốn ván không lây truyền từ người sang người. Người có thể bị uốn ván khi vết thương hoặc vết cắt bị nhiễm bẩn. Nha bào uốn ván thường phát triển trong vết thương sâu do đinh, dao, mảnh vụn của gỗ bẩn và do động vật cắn. Phụ nữ có thể có nguy cơ nhiễm trùng cao nếu dùng dụng cụ bị nhiễm bẩn khi sinh hoặc nạo thai. Trẻ sơ sinh có thể bị nhiễm bẩn nếu dụng cụ dùng để cắt rốn, chăm sóc rốn hoặc tay của người đỡ đẻ không sạch. Trẻ nhỏ cũng có thể bị bệnh khi dùng các dụng cụ bẩn cắt bao qui đầu, rạch da và những thứ không sạch đắp vào các vết thương. Thời gian ủ bệnh thường trong khoảng 3 - 10 ngày nhưng cũng có thể tới 3 tuần. Thời gian ủ bệnh càng ngắn thì nguy cơ tử vong càng cao. Ở trẻ em và người lớn, cứng cơ hàm là dấu hiệu đầu tiên của bệnh uốn ván. Tiếp theo là cứng cổ, khó nuốt, co cứng cơ bụng, cơ co thắt, vã mồ hôi và sốt. Bệnh nhân co thắt và co giật các cơ, có thể gãy xương sống hoặc các xương khác. Rối loạn nhịp tim, hôn mê, viêm phổi và các nhiễm trùng khác có thể xảy ra. Khả năng tử vong ở trẻ nhỏ và người già rất cao.
PHÒNG BỆNH CHỈ VỚI 20.000 ĐỒNG
Bà Nguyễn Thị Nhung, điều dưỡng trưởng khoa Nhiễm cho biết: Phần lớn bệnh nhân uốn ván ở độ tuổi lao động, là những người lao động chân tay (thợ hồ, nông dân...), do họ thường làm việc trong điều kiện dễ bị tổn thương da, không biết bảo vệ mình và cũng không tiêm phòng uốn ván.
Uốn ván là một bệnh nguy hiểm, bệnh nhân cần phải điều trị cấp cứu tại bệnh viện. Theo các bác sĩ, bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin giải độc tố uốn ván VAT. Nhờ chương trình tiêm chủng mở rộng mà bệnh uốn ván ở trẻ sơ sinh hầu như đã được thanh toán dứt điểm; phụ nữ ở độ tuổi sinh nở cũng vậy. Hiện nay, uốn ván lại gặp nhiều ở nam giới, độ tuổi từ 15-45, nhất là những người lao động nghèo. Một ca uốn ván nặng, thời gian điều trị trung bình 5 tuần, chi phí từ 30 - 50 triệu đồng. Trong khi đó, phòng ngừa uốn ván rất đơn giản, chỉ cần tiêm vắc xin là có thể bảo vệ được trong nhiều năm liền, với giá dao động từ 15.000 - 25.000 đồng. Do không biết điều này nên nhiều người không tiêm phòng, khi bị thương cũng không biết chăm sóc vết thương đúng cách để vi trùng xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh.
Nếu chưa từng tiêm VAT bao giờ thì sẽ tiêm “ba mũi cơ bản”: mũi thứ hai tiêm cách mũi thứ nhất một tháng, mũi thứ ba cách mũi thứ hai từ 6-12 tháng, phòng ngừa được 5 năm. Đối với trẻ em, tiêm ba mũi vắc xin tổng hợp (DTC) ngừa bạch hầu, UV, ho gà vào các tháng tuổi thứ hai, thứ ba, thứ tư. Tiêm nhắc lại một mũi DTC lúc 16 tháng tuổi. Đến 6 tuổi, tiêm nhắc lại một mũi VAT (các bậc cha mẹ thường quên đưa con đi tiêm mũi này khiến hiệu quả miễn dịch không cao). Sau đó, nếu tiêm nhắc thêm một lần nữa vào năm 18 tuổi thì sẽ phòng bệnh được 20 năm.