Ths. Bs HOÀNGQUANG BÌNH
(Trưởng phòng Khám mắt, Bệnh viện Mắt - RHM Cần Thơ)
|
Bệnh nhân được khám mắt tại Phòng Khám mắt, Bệnh viện Mắt - Răng Hàm Mặt Cần Thơ. Ảnh: K. LOAN |
Khi mắt bị xốn, đỏ, ngứa… nhiều người thường tự mua thuốc về nhà nhỏ mắt, thậm chí có người đắp lá, xông mắt bằng lá trầu không, tinh dầu bạc hà. Tự chữa trị như thế có thể làm tình trạng bệnh trầm trọng hơn, nếu không được can thiệp chữa trị sớm sẽ gây ra hậu quả là mù mắt bởi xốn, đỏ, ngứa mắt có thể là triệu chứng của bệnh viêm kết mạc (VKM).
Một trong những trường hợp điều trị tại Bệnh viện Mắt– Răng Hàm Mặt Cần Thơ là bệnh nhân L.V. B., 39 tuổi, ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Trước khi nhập viện 1 tuần, bệnh nhân B. bị đau mắt đỏ, tự ý nhỏ thuốc Dexacol và điều trị tư tại một cơ sở không chuyên khoa. Đến khi nhập viện thì giác mạc của anh B. đã bị viêm loét gần như toàn bộ, mắt đầy mủ. Sau khi điều trị, mặc dù vẫn giữ lại được mắt nhưng thị lực của anh giảm sút nghiêm trọng.
Bệnh VKM- dân gian thường gọi là đau mắt đỏ hay nhặm mắt- là một trong các bệnh về mắt rất phổ biến. Tại Phòng Khám mắt, Bệnh viện Mắt- Răng Hàm Mặt Cần Thơ, bệnh nhân bị VKM chiếm khoảng 52% tổng số bệnh nhân. Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm 2009, có khoảng 1.700 bệnh nhân VKM trong tổng số 3.300 bệnh nhân đến khám, điều trị bệnh. Trong đó, có khoảng 10% bệnh nhân đã chuyển sang viêm loét giác mạc, phải nhập viện điều trị nội trú.
Về cơ bản, bệnh đau mắt đỏ có thể xuất hiện quanh năm. Các yếu tố thời tiết: nắng nóng chuyển qua mưa, độ ẩm không khí tăng cao; môi trường nhiều khói bụi; điều kiện vệ sinh kém; sử dụng nguồn nước ô nhiễm... là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển và bùng phát thành dịch. Bên cạnh đó, khi giao mùa, cơ thể con người, nhất là những người nhạy cảm với thời tiết, dễ mệt mỏi, hệ thống miễn dịch hoạt động yếu nên virus tấn công dễ dàng hơn. Thời gian cao điểm của dịch bệnh VKM là tháng 7, tháng 8 hằng năm. Trong một đợt dịch, bệnh nhân có thể bị mắc bệnh lại lần thứ hai vì có nhiều chủng virus gây bệnh khác nhau.
Trong những trường hợp thông thường, VKM chủ yếu là do các loại vi khuẩn gây nên. Đối với những trường hợp đã thành dịch, nguyên nhân chủ yếu là do virus, phổ biến là loại adeno. Bệnh lây chủ yếu qua tiếp xúc tay, mắt. Nếu người bệnh lấy tay dụi mắt rồi vô tình chạm vào và truyền vi khuẩn cho các vật dụng: như khăn mặt, điện thoại, máy tính, cốc, chén... sẽ khiến cho những người xung quanh có nguy cơ bị lây nhiễm cao. Nhiều trẻ mắc bệnh do bơi tại các bể bơi. Ngoài ra, trong một môi trường hẹp, thông khí kém, virus cũng phát tán ra không khí rồi lây cho người khác.
Biểu hiện của bệnh là mắt đỏ, ngứa, cộm xốn, cảm giác như có bụi trong mắt, nóng rát mắt, đau, chảy nước mắt và có nhiều ghèn. Đôi khi sáng ngủ dậy, ghèn làm cho hai mi dính chặt lại nên bệnh nhân rất khó mở mắt. Bệnh hay bắt đầu từ một mắt, sau đó vài ba ngày đến mắt thứ hai... Bệnh nhân có thể có sốt nhẹ, có sưng hạch góc hàm hoặc hạch sau tai, họng đỏ, amidan sưng to... Nếu được điều trị kịp thời, đúng cách sẽ không để lại biến chứng cho mắt. Ngược lại, bệnh sẽ gây biến chứng viêm giác mạc hoặc loét giác mạc, rất nguy hiểm vì có thể làm bệnh nhân giảm thị lực, trường hợp nặng có thể bị mù mắt.
Để phòng bệnh đau mắt đỏ, cần giữ vệ sinh cá nhân tốt, dùng riêng khăn mặt, vật dụng cá nhân, bảo vệ mắt bằng cách đeo kính khi đi ra đường. Sau khi tiếp xúc với môi trường bụi bặm, hóa chất, nước hồ bơi, nên dùng nước muối sinh lý 0,9% để rửa mắt... Trong gia đình có người bị bệnh, mọi người cũng nên thường xuyên rửa mắt bằng muối sinh lý nhưng không được dùng chung lọ người bệnh đã sử dụng. Bệnh nhân VKM cần được nghỉ ngơi, hạn chế giao tiếp, tránh đi vào chỗ công cộng, nơi đông người. Bệnh nhân cần tránh dụi tay vào mắt vì virus có nhiều trong nước mắt, ghèn và tránh vứt bông, khăn thấm mắt bệnh ra môi trường xung quanh.
Trường hợp bị bệnh đau mắt đỏ phải đến ngay các trung tâm y tế, bệnh viện mắt khám để được chẩn đoán, điều trị. Đặc biệt, không dùng những loại thuốc nhỏ mắt bán ngoài thị trường, đặc biệt là các thuốc có chứa corticoide như dexa khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Sử dụng thuốc nhỏ mắt bừa bãi có thể gây ra các biến chứng: cườm đá, cườm nước, mù. Hơn nữa, việc sử dụng dexa rất nguy hiểm khi bệnh đã chuyển sang biến chứng loét giác mạc bởi thuốc làm bệnh nặng thêm, dẫn tới thủng mắt và phải bỏ mắt. Cũng không nên xông mắt bằng lá trầu không, tinh dầu bạc hà vì sức nóng của nó sẽ làm mắt bị đau, đỏ hơn. Ngoài ra, người bệnh cũng không được tự tiện dùng kháng sinh vì nếu dùng không đúng sẽ làm vi khuẩn kháng thuốc và gây tác dụng phụ.