Methanol là một loại rượu có độc tính cao, thường gặp trong chất dung môi dùng lau kính xe, chất chống đóng băng cho ống dẫn xăng dầu, dung dịch mực in cho máy photocopy, nhiên liệu cho các bếp lò nhỏ, dùng pha sơn và như một chất dung môi công nghiệp. Hiện nay có thêm những ứng dụng mới cho methanol, nhất là việc đề nghị sử dụng nó như một nguồn năng lượng thay thế.
Diễn tiến lâm sàng của ngộ độc methanol xảy ra nhiều giờ sau khi uống.
Triệu chứng
Cấp cứu bệnh nhân ngộ độc rượu tại Trung tâm chống độc Bệnh viện bạch mai. Ảnh: DK |
Triệu chứng đầu tiên của ngộ độc methanol xảy ra từ 12 - 24 giờ sau khi uống, có triệu chứng giống với ngộ độc ethanol, bao gồm chóng mặt, lú lẫn, thất điều vận động, yếu cơ, nhức đầu, buồn nôn, nôn và đau bụng. Nhìn chung, các triệu chứng này có thể giống say rượu và do nhiễm độc nhẹ do ethanol gây ra.
Khi sự chuyển hóa methanol tiếp diễn, toan chuyển hóa do khoảng trống anion (anion gap) sẽ phát triển. Người bệnh thường cảm thấy nhìn mờ, nhìn đôi hoặc có rối loạn cảm nhận về màu sắc. Thị trường có thể bị thu hẹp và có khi mất hoàn toàn thị lực. Các rối loạn chức năng thị giác đặc trưng bao gồm giãn đồng tử và mất phản xạ giác mạc.
Các triệu chứng và dấu hiệu muộn bao gồm thở nông, tím tái, thở nhanh, hôn mê, co giật, rối loạn điện giải và các thay đổi đa dạng về huyết động học bao gồm tụt huyết áp nặng và ngưng tim. Có thể bị mất trí nhớ từ nhẹ đến nặng, lú lẫn, kích thích và diễn tiến đến hôn mê khi toan chuyển hóa càng lúc càng nặng hơn (Suit 1990). Những trường hợp nặng sẽ gây tử vong. Bệnh nhân sống sót có thể bị mù vĩnh viễn hoặc có những di chứng thần kinh khác.
Chẩn đoán
Ngộ độc methanol khó chẩn đoán khi không khai thác được tiền sử uống rượu. Chẩn đoán đòi hỏi phải có các yếu tố lâm sàng và kết quả xét nghiệm; tuy nhiên khi bệnh nhân hôn mê, không khai thác được bệnh sử sẽ cần đến những thông tin quý giá do người thân đem lại. Ngoài ra, thường rất khó để phân biệt ngộ độc methanol hoặc ethylene glycol về phương diện lâm sàng.
Đo nồng độ methanol trong huyết thanh là cách trực tiếp nhất để chẩn đoán ngộ độc. Quyết định xét nghiệm nồng độ methanol trong máu có thể dựa trên yếu tố dịch tễ, theo lời khai của bệnh nhân hoặc người đưa đến, hoặc do phát hiện những sản phẩm có chứa methanol tại nơi uống. Những yếu tố khác để nghi ngờ nhiễm độc methanol là các dấu hiệu lâm sàng cùng kết quả cận lâm sàng như toan chuyển hóa kèm khoảng trống anion (anion gap) và khoảng trống nồng độ osmol (osmolal gap).
Khoảng trống anion (anion gap) trong toan chuyển hóa không xuất hiện ngay sau khi uống methanol và còn có thể gặp ở những ngộ độc khác như ngộ độc sắt, salicylat, ethylene glycol hoặc các bệnh lý khác như đái tháo đường nhiễm ceton-acid hay tăng urê huyết. Sự hiện diện của khoảng trống nồng độ osmol (osmolal gap) có thể giúp chẩn đoán ngộ độc methanol; tuy nhiên, cũng chưa thể loại trừ nếu không thấy, do osmolal gap sẽ giảm dần cùng với việc chuyển hóa của methanol. Ngoài ra, các độc chất khác, bao gồm các loại rượu cồn khác, cũng có thể tạo ra osmolal gap. Cuối cùng, việc uống chung với ethanol sẽ tạo ra một hình ảnh lâm sàng lẫn lộn khiến các biểu hiện ngộ độc methanol bị che khuất và việc chẩn đoán bị trì hoãn.
Các yếu tố khác để chẩn đoán là thay đổi ở mắt bao gồm sung huyết đĩa thị (optic disc) hoặc phù đĩa thị, đôi khi có bạc màu đĩa thị.
Điều trị
Cần điều trị bằng chất kháng độc tố (antidote) khi nồng độ methanol trong huyết thanh > 20 mg/dl trong thời gian ngắn sau khi uống; tuy nhiên, ở những nạn nhân được đưa đến muộn, cần phải điều trị ở bất kỳ nồng độ methanol nào khi thấy có biểu hiện của nhiễm độc toàn thân.
Tương tự như đối với ethylene glycol, 3 mục tiêu chính của điều trị bao gồm xử lý tình trạng toan chuyển hóa, ức chế chuyển hóa của methanol và tăng cường đào thải những hợp chất chưa chuyển hóa cùng những chất chuyển hóa độc hại đang tồn đọng trong cơ thể.
Rửa dạ dày không có lợi lắm vì methanol được hấp thu nhanh và toàn bộ ở ống tiêu hóa (nếu bệnh nhân được rửa dạ ngày ngay sau khi uống methanol thì có thể sẽ hữu ích). Chống chỉ định gây nôn bằng ipecac do nguy cơ rơi vào hôn mê sớm. Than thực vật không chắc có khả năng hấp thu được lượng methanol đáng kể; tuy nhiên nó có thể hữu ích nếu nghi ngờ có thêm một độc chất khác được uống vào cùng lúc.
Ổn định tình trạng bệnh nhân cần được thực hiện trước khi tiến hành các biện pháp khác. Điều chỉnh lại tình trạng kiềm toan phải là ưu tiên do toan chuyển hóa rất thường gặp và pH dưới 7 thường đi kèm với tiên lượng xấu. Sodium bicarbonate được dùng để điều chỉnh pH máu. Cần chú ý bồi hoàn nước điện giải, bảo đảm thông khí, điều trị các rối loạn nặng về thần kinh và tim mạch như tụt huyết áp và co giật.
Sự đào thải methanol có thể được tăng cường bằng cách dùng acid folic, một đồng yếu tố trong phản ứng biến đổi acid formic thành dioxide carbon, và bằng chạy thận nhân tạo. Điều trị kháng độc (antidote therapy) nhằm mục đích làm chậm trễ quá trình chuyển hóa cho đến khi methanol được đào thải khỏi cơ thể một cách tự nhiên hoặc bằng thẩm phân máu. Dùng 2 chất kháng độc là ethanol hoặc fomepizole. Ethanol cũng được chuyển hóa bởi dehydrogenase rượu (ADH) và enzym này có ái lực gấp 10 - 20 lần đối với ethanol so với methanol. Fomepizole cũng được chuyển hóa bởi ADH, tuy nhiên việc sử dụng bị giới hạn do giá thành cao và không có sẵn.