Có khá nhiều bệnh lây truyền qua đường tình dục. Dưới đây là một số bệnh thường gặp:
Chlamydia: Với nam giới ít triệu chứng, có thể bị viêm như đái khó, mủ, nhày niệu đạo, viêm đau tinh hoàn, viêm trực tràng, viêm kết mạc. Với nữ cũng ít triệu chứng như đái khó, mủ niệu, viêm cổ tử cung tiết dịch, viêm tiểu khung (đau vùng bụng và tiểu khung, viêm trực tràng).
Chẩn đoán tốt nhất là nuôi cấy tìm Chlamydia trachomatis (đặc hiệu 100%) và một số xét nghiệm khác như huỳnh quang, miễn dịch enzym...
Thuốc đặc trị: Azithromycin chỉ cần uống 1g, một liều duy nhất. Là một thuốc kháng sinh mới thuộc họ azalid có hoạt phổ rộng với nhiều chủng gram (+) và gram (–) có tác dụng với nhiều chủng vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae, Chlamydia trachomatis, các khuẩn kỵ khí, xoắn khuẩn, Mycoplasma. Do thời gian bán hủy kéo dài nên chỉ cần uống 1g trong 24 giờ. Thuốc không dùng cho người mang thai.
Các thuốc khác như ofloxacin 300mg, uống 2 lần/ngày trong 7 ngày hoặc doxycyclin 100mg, uống 2 lần/ngày trong 7 ngày cũng thường dùng. Có thể dùng erythomycin trong trường hợp mang thai.
Bệnh lậu: Do cầu khuẩn N.gonorrhoeae, các căn nguyên của bệnh tiểu khung, HIV. Tuy đã giảm nhưng tỷ lệ mắc vẫn đáng được lưu tâm. Nhiều người mắc không có biểu hiện lâm sàng. Nếu có, với nam: viêm niệu đạo như đái khó, mủ niệu đạo, viêm mào tinh hoàn (đau), viêm trực tràng (đau, mót rặn, tiết dịch), viêm họng. Với nữ: đái khó, viêm cổ tử cung gây tiết dịch, mủ âm đạo, viêm tiểu khung gây đau, viêm đau trực tràng gây tiết dịch, mót rặn, viêm họng. Các triệu chứng xuất hiện sau 2-8 ngày bị phơi nhiễm.
Thuốc điều trị: chủ yếu là các cephalosporin thế hệ 3 và 4 như cefixim 400mg uống một lần hoặc cefuroxim 1g uống một lần; hoặc ceftriaxon 125mg tiêm bắp một lần; hoặc cefizoxim 500mg tiêm bắp một lần; hoặc cefotaxim 500mg tiêm bắp một lần; hoặc cefotetan 1g tiêm bắp một lần, cefoxitin 2g tiêm bắp một lần.
Dùng dẫn xuất quinolon nếu không dung nạp cephalosporin. Ciprofloxacin 500mg uống một lần; hoặc ofloxacin 400mg uống một lần; hoặc norfloxacin 800mg uống một lần.
Có thể dùng spectomycin thay thế nếu không dung nạp 2 thuốc trên.
Bệnh giang mai: Do xoắn khuẩn Treponesma pallidum gây nên. Lây truyền qua đường tình dục, gián tiếp có thể do tiêm chích... Bệnh vẫn còn mắc với tỷ lệ đáng kể. Bệnh tiến triển qua 4 giai đoạn: giai đoạn đầu, giai đoạn hai, tiềm tàng và muộn (giai đoạn 3). Không kể giang mai thần kinh có thể gây ra ở bất kỳ giai đoạn nào.
Mới đầu vết săng xuất hiện 21 ngày sau phơi nhiễm, vết loét không đau ở bộ phận sinh dục, cổ tử cung, vú, hậu môn, miệng, sau đó tự khỏi, không đau nên dễ bỏ qua. Sau 4 – 8 tuần sang giai đoạn 2: sốt, mệt, hạch toàn thân, ban dát sần, vòng hoặc nang xuất hiện ở gan bàn tay, bàn chân. Loét nông không đau ở nơi cơ thể ẩm ướt. Rụng lông, tóc, bệnh thận, viêm gan, viêm khớp, viêm mống mắt. Sau đó tự khỏi và chuyển sang giai đoạn tiềm tàng sớm. Nếu không được điều trị lại xuất hiện triệu chứng như giai đoạn 2. Cả 3 giai đoạn này gọi là giang mai lây nhiễm, sau đó chuyển sang giai đoạn tiềm tàng muộn, một số người bệnh biểu hiện triệu chứng tim mạch và có thấy gôm (giống u nhạt) ở da, mô mềm, xương, gan và cơ quan khác.
Điều trị: Xét nghiệm (phải cẩn thận và chính xác). Thuốc: tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh. Với giai đoạn 1 và 2 thì dùng benzathin penicilin G 2,4 triệu đơn vị, tiêm bắp một lần. Nếu dị ứng có thể dùng ceftriaxon, doxycyclin hoặc erythromycin. Điều trị bệnh giang mai tiềm tàng sớm cũng dùng thuốc như trên, nhưng nếu là giai đoạn tiềm tàng muộn cần dùng 2,4 đơn vị trong 3 tuần liên tiếp. Với giang mai thần kinh phải dùng kết hợp penicilin + probenecid tới 14 ngày.
Nhiễm Herpes: Do virut HSV. Mệt, đau đầu, đau cơ, dị cảm sinh dục. Mụn nước, đau, trợt, loét. Hạch bẹn to đau, có thể nhọt, trầy xước hồng ban âm hộ. Các tổn thương ở bao quy đầu, dương vật, âm hộ, đáy chậu, cổ tử cung, liền sẹo sau 3 tuần. Nếu quan hệ qua đường hậu môn có triệu chứng đau, mót rặn, tiết dịch trực tràng, có thể biến chứng: viêm màng não vô khuẩn, bí đái, tổn thương bộ phận sinh dục hoặc da lan tỏa, bội nhiễm, hồng ban đa dạng, sảy thai...
Thuốc đặc trị: acyclovir là thuốc tốt dùng cho các giai đoạn (lâm sàng đầu tiên, tái phát, bùng phát, bệnh nặng) với dạng thuốc, liều lượng và thời gian dùng phù hợp, có thể từ 200 – 800mg trong 10 ngày. Nếu nặng thì dùng tiêm 5-10mg/kg thể trọng, cứ 8 giờ lần x 7 ngày đến khi khỏi lâm sàng. Bệnh điều trị càng sớm càng tốt.
Trùng roi: Do ký sinh trùng đơn bào Trichomonas Vaginalis gây ra. Triệu chứng: tiết dịch âm đạo màu vàng xanh, mùi hôi, kích thích âm hộ. Với nam giới, viêm niệu đạo (cũng bị mắc nhiều).
Thuốc đặc trị: Metronidazol 2g uống một liều duy nhất hoặc uống 500mgx2lần/ngày trong 7 ngày. Nếu giảm nhạy cảm cần uống 2g/lầnx3-5 ngày liền. Thuốc không dùng cho người có thai 3 tháng đầu.
Bệnh viêm tiểu khung: Có nhiều phụ nữ mắc nhưng khó chẩn đoán. Biểu hiện nhạy cảm đau vùng hạ vị, phần phụ khi di động cổ tử cung. Thân nhiệt 38,3oC tiết dịch âm đạo bất thường, tốc độ lắng máu tăng. Thường là do nhiễm N.gonorrhoeae hay C.trachomatis không điều trị đến nơi đến chốn sau đó nhiễm khuẩn lên đường trên do các vi khuẩn ưa và kỵ khí nội sinh âm đạo - tử cung.
Điều trị: Xét nghiệm sinh thiết siêu âm, Xquang. Nên điều trị tại bệnh viện.
Thuốc: Các cephalosporin như cefoxitin 2g tiêm tĩnh mạch cứ 6 giờ/lần hoặc cefotan 2g tiêm tĩnh mạch cứ 12 giờ/lần cùng với doxycyclin 100mg uống hoặc tiêm tĩnh mạch cứ 12 giờ/lần. Có thể dùng ceftizoxim, cefotaxim, ceftriaxon thay thế với liều thích hợp. Dùng ít nhất 48 giờ sau khi có cải thiện lâm sàng. Sau 3-5 ngày tiếp tục dùng doxycyclin hoặc clindamycin. Nếu phối hợp với ofloxacin, metronidazol cũng có ích.
Ngoại trừ nhiễm HIV là bệnh của thời đại, thì các bệnh như loét sinh dục do hạ cam, u hạt lympho hoa liễu, mụn cơm sinh dục... cũng thường hay gặp.
Phòng bệnh: Thay đổi và chuẩn mực về hành vi nguy cơ dẫn đến lây truyền bệnh (ví dụ: chọn bạn tình, dùng bao cao su, lây truyền mẹ sang con, định kỳ sàng lọc đối tượng có nguy cơ...) Nếu mắc bệnh phải điều trị đến nơi đến chốn không để chuyển giai đoạn và biến chứng, phải điều trị cho cả vợ lẫn chồng hoặc bạn tình. Tốt nhất, cần có sự giáo dục, sinh hoạt tình dục an toàn, lành mạnh.